Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, câu chuyện xúc động về gia đình anh T.H.P., 24 tuổi, trú tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tình nguyện hiến tạng gồm trái tim, 2 thận và gan cho y học để cứu sống 4 người khác lan truyền trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều người cảm động.
Tuy nhiên, ít ai biết và hiểu được phía sau quyết định mang lại sự sống cho nhiều người bệnh là "cuộc chiến" nội tâm của một người mẹ can đảm - bà Tô Thị Ánh Hồng.
Bà Hồng xúc động khi Thượng tọa Thích Minh Nhứt, trụ trì chùa Hồng Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ tại lễ tang. Theo Thượng tọa Thích Minh Nhứt, anh P. ở với ông từ nhỏ, là người con hiếu thuận, tính tình vui vẻ, ông không ngờ anh lại ra đi khi tuổi đời còn trẻ như vậy.Người con vui vẻ, hiếu thuận
Trưa 5/5, đến dự tang lễ của anh P., đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bà Rịa ai nấy đều xúc động trước tấm lòng của chàng thanh niên trẻ 24 tuổi và tình cảm của người mẹ dành cho người con trai mới qua đời. Trong suốt buổi trò chuyện, bà Hồng tỏ ra bình tĩnh và luôn nhắc "mẹ cám ơn con đã là con trai của mẹ".
Bà Hồng cho biết, P. sinh ra đã chịu thiệt thòi vì không biết mặt cha. Do cuộc sống khó khăn, bà đã gửi P. vào chùa để đi làm, gom góp tiền cho con học hành nên người. Sau này, khi kinh tế ổn định, bà đến gặp sư thầy xin đưa P. về đi học.
"Tôi đi làm vất vả, kiếm được bao nhiêu tiền là dồn hết để lo cho con. Nước mắt chỉ chảy xuống chứ không đi ngược lên trên, kiếp người nó là như vậy", bà Hồng cho hay.
Cũng theo bà Hồng, khi còn sống P. là một người con ngoan, hoạt bát, vui vẻ, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Sau 2 năm đi làm nghĩa vụ quân sự tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), P. đã trưởng thành, chững chạc hơn. Thời gian vừa rồi, P. theo anh trai đi làm thêm.
Nhớ lại sự việc của con, bà Hồng cho biết, đêm xảy ra tai nạn, anh P. chạy xe qua đoạn rẽ vào khu hóa dầu Long Sơn. Con đường xây dựng còn dang dở, đá ngổn ngang, không có đèn đường, vật cảnh báo không có tín hiệu nên anh P. không quan sát được và va chạm dẫn đến chấn thương nặng.
"Con tôi chạy sát lề đường, nó nghĩ sẽ không đụng ai nhưng không may hôm đó đèn đường tắt. Con tôi bị tai nạn chấn thương, nếu có người cấp cứu ngay lúc đó thì không mất mạng. Thôi duyên nợ đi mẹ con tôi đến đó thì đành...", bà Hồng vừa kể vừa khóc.
Bà Tô Thị Ánh Hồng
"Con tôi ngã xuống nhưng cho nhiều người đứng dậy"
Trong tang lễ con trai, trước mặt đông người, bà Hồng tỏ ra cứng rắn, không khóc lóc nhiều. Khi phải đối mặt với những lời dị nghị vì sao lại hiến tạng con, bà Hồng nói rõ ràng đó là giúp con trai thực hiện di nguyện.
Theo anh Huỳnh Phan Tùng Kha - anh trai P., cách đây 3 tháng, khi anh Kha cùng bạn bè ra Côn Đảo thăm P., Kha có nói chuyện anh đi đăng ký hiến tạng thì P. cho hay cũng muốn hiến tạng.
"Mai mốt em có ngã xuống thì cho nhiều người đứng dậy. Em sẽ hiến tạng cho hết những người cần em", P. nói với anh trai.
Khi anh P. nhập viện cấp cứu, anh Kha có nói ước vọng của P., bà Hồng bất ngờ. Sau một lát suy nghĩ, bà chủ động đề nghị hiến tạng con và ký vào lá đơn đồng ý hiến tạng.
"Mẹ cám ơn con. Cám ơn con đã là con của mẹ 25 năm nay. Bây giờ con cứ an tâm ra đi, để lại sự sống cho người khác", người mẹ nói với con khi gặp con lần cuối trong bệnh viện.
Cũng theo bà Hồng, lúc trong bệnh viện, khi các y tá bác sĩ hỏi bà có cần gì không thì hãy nói với họ, mong muốn hãy lên tiếng, bà bảo, bà muốn biết thời gian chính xác khi con trút hơi thở cuối cùng vào giờ nào, phút nào và mong con trai bà được tắm rửa sạch sẽ, được mặc bộ đồ mà anh thích nhất. "Vậy thôi, tôi không cần gì cả" - người mẹ nói.
Toàn bộ kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Bà Rịa đã cúi đầu mặc niệm, tri ân anh. P. về nghĩa cử hiến tạng cao đẹp, đã thắp lên hy vọng về sự tái sinh cùng những điều kỳ diệu.
12h16' ngày 4/5, bác sĩ báo P. được rút ống. Bà Hồng biết con trai mình không thể quay trở lại được với bà. Đúng 13 giờ cùng ngày, sau gần 2 giờ phẫu thuật, quá trình lấy tạng hoàn thành. Người mẹ cứ chảy nước mắt âm thầm, bà không nghĩ rằng con mình lại bỏ mình ra đi sớm như vậy. Chỉ đến khi bệnh viện báo tin lần lượt các ê-kíp ghép tạng thành công, từ trái tim, gan và 2 thận, bà Hồng mừng và bật khóc.
"Con tôi ngã xuống nhưng cho nhiều người đứng dậy. Đứa con nào ra đi cũng là sự mất mát rất lớn của người mẹ. Bình thường con có trầy xước, đứt tay mình đã xót rồi chứ đừng nói đến.... Tôi cố nén hết sức để không bật ra khóc trước mọi người nhưng khi một mình thì không thể chịu được phải bật ra thôi", bà Hồng vừa nói vừa khóc.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc hiến và ghép tạng từ người cho chết não thường diễn ra rất đột xuất, không cho mọi người thời gian để chuẩn bị. Công việc của đội ngũ y tế khi có một trường hợp bệnh nhân chết não và hiến tạng thường diễn ra xuyên ngày, xuyên đêm và cần sự phối hợp chính xác, khẩn trương của nhiều đội ngũ nhân viên y tế, từ việc giải thích cho người nhà, hồi sức cấp cứu nhằm bảo quản cơ quan hiến tặng cho đến việc tiếp nhận, ghép và bảo quản cơ quan sau ghép… Mỗi cơ quan hiến tặng cũng có những mốc thời gian khác nhau. Đối với tim và phổi, thời gian tối đa kể từ khi tiếp nhận đến khi ghép là 6 giờ, gan là 12 giờ và thận là 24 giờ.
Được biết, cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảnh sát giao thông TP HCM đã giúp đỡ và hỗ trợ hết mình cho hành trình vận chuyển tim và 2 thận của P. chỉ mất 1 giờ 1 phút để kịp thời đưa quà tặng thiêng liêng này về Bệnh viện Chợ Rẫy ghép cho người nhận. Riêng lá gan đã được vận chuyển cho một bệnh nhân ghép gan ở Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Sau khi ghép tạng, trái tim của P. đã đập lại trong lồng ngực của người được nhận. Mọi chỉ số sinh tồn của hai bệnh nhân được ghép thận bình thường. Sức khỏe của bệnh nhân được ghép gan diễn tiến tốt.