Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Annals of Oncology này cho biết các nhà khoa học đã dựa vào DNA của khối u là "xương sống" cho phương pháp xét nghiệm mới này.
Các khối u thường đổ DNA của chúng vào máu, góp phần vào thứ gọi là "DNA không tế bào" lang thang trong máu người. DNA không tế bào cũng có thể đến từ các thứ lành mạnh khác, nhưng nhiệm vụ của xét nghiệm này là phân loại, tìm ra các dấu hiệu cho thấy DNA đó có thể đến từ khối u của bệnh ung thư.
Xét nghiệm máu mới có thể giúp phát hiện ung thư cực kỳ hiệu quả - ảnh minh họa từ AMERICAN CHEMICAL SOCIETY
Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Michael Seiden, Chủ tịch cơ quan Ung thư Mỹ, cho biết tỉ lệ dương tính giả của phương pháp này rất thấp, chỉ 0,7%, một con số cực nhỏ đối với các loại xét nghiệm máu và các phương pháp sàng lọc ung thư khác. Các phương tiện chẩn đoán sàng lọc cũ có sai số cao hơn nhiều, ví dụ trong chiến lược sàng lọc quốc gia của Mỹ về ung thư vú gần đây, tới 10% bị chẩn đoán sai.
Tất nhiên ở các giai đoạn đầu - chưa có triệu chứng hoặc bắt đầu triệu chứng, tỉ lệ dương tính thật sẽ thấp hơn bởi các dấu hiệu di truyền của khối u trong máu chưa rõ ràng. Tuy nhiên đây vẫn là một đột phá bởi xét nghiệm máu là phương pháp không xâm lấn, có thể áp dụng nhiều lần và ít tốn kém, ít rủi ro hơn các phương pháp xâm lấn phổ biến như sinh thiết.
Những kết quả khả quan này đến từ cuộc thử nghiệm trên mẫu máu của gần 4.000 tình nguyện viên, trong số đó có người khỏe mạnh và người bị ung thư. Những người bị ung thư mắc tới 50 loại ung thư khác nhau, trong đó có 12 loại ung thư gây tử vong nhiều nhất (chiếm 63% ca tử vong vì ung thư ở Mỹ), bao gồm những ung thư như: ruột, dạ dày, phổi, tuyến tụy... Với 12 dạng ung thư này, tỉ lệ dương tính thật có thấp hơn một chút.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, thử nghiệm thêm nhằm tăng hiệu quả và tỉ lệ chính xác của xét nghiệm, cũng như tiến đến thử nghiệm lâm sàng rộng rãi hơn.