Vốn là loại trái cây quen thuộc với các gia đình Việt, nhắc đến hàm lượng dinh dưỡng trong đu đủ, chắc chắn ta phải nói đến vitamin C, A và axit folic. Trong đó, vitamin C trong đu đủ có hàm lượng cao hơn dâu, cam, chanh, dứa; vitamin A nhiều hơn cả bưởi, ổi, dưa hấu; và là loại quả phổ biến nhất chứa nhiều axit folic, tương đương với xoài và ổi.
Ngoài ra, enzyme papain trong đu đủ có thể phân hủy protein và là chất làm mềm thịt tự nhiên, do đó, bạn thường thấy mọi người ninh xương, thịt dai với đu đủ. Vì chứa nhiều chất dinh dưỡng như vậy nên đu đủ cũng mang lại không ít lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe của quả đu đủ
1. Duy trì sức khỏe tim mạch
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm giàu lycopene và vitamin C có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim. Cũng có tài liệu vào năm 2012 và 2014 cho thấy các chất chống oxy hóa trong đu đủ có thể bảo vệ tim và tăng cường cholesterol tốt.
Một trong những nghiên cứu cũng cho thấy sau khi uống bổ sung dinh dưỡng đu đủ lên men trong 14 tuần, tình trạng viêm của bệnh nhân giảm và tỷ lệ cholesterol tốt và xấu nghiêng về hướng tốt nhiều hơn. Tỷ lệ cholesterol là chìa khóa để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
2. Thúc đẩy tiêu hóa và cải thiện táo bón
Một nghiên cứu được công bố trên Neuroendocrinology Letters năm 2013 chỉ ra rằng các đối tượng mắc chứng khó tiêu mãn tính và chức năng đường tiêu hóa kém bị táo bón sau khi uống sinh tố đu đủ trong 40 ngày thì các triệu chứng này được cải thiện đáng kể.
3. Chăm sóc da và chống lão hóa
Nguyên nhân chính gây lão hóa da là sự kích hoạt quá mức của các gốc tự do. Các chất chống oxy hóa như vitamin C và lycopene trong đu đủ có thể vô hiệu hóa các gốc tự do và làm chậm các dấu hiệu lão hóa.
Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy sau khi dùng lycopene trong 10-12 tuần, nó có thể làm giảm đỏ da sau khi phơi nắng. Một nghiên cứu khác vào năm 2014 cho thấy phụ nữ trưởng thành dùng lycopene, vitamin C trong đu đủ thì độ sâu của nếp nhăn trên khuôn mặt giảm đáng kinh ngạc.
Gỏi đu đủ Thái
4. Làm chậm viêm
Viêm mãn tính là nguyên nhân gốc rễ của nhiều bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa, bao gồm đu đủ, có thể làm giảm nguy cơ viêm. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ năm 2005 chỉ ra rằng sau khi các đối tượng tăng lượng trái cây và rau quả giàu carotenoids, chỉ số viêm phản ứng protein C (CRP) giảm đáng kể.
5. Hạt đu đủ cũng là kho báu
Hạt đu đủ có vị đắng và khó ăn nhưng nó lại chứa chất chống oxy hóa như polyphenol, flavonoid và axit béo không bão hòa đơn như axit oleic. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng hạt đu đủ có thể tiêu diệt một số loại nấm và ký sinh trùng.
6. Đu đủ dùng để chăm sóc da
Enzyme đu đủ hiện đang phổ biến trong các công thức chăm sóc da. Người ta tin rằng enzyme papain giúp loại bỏ lớp biểu bì cũ đã chết, giảm tắc nghẽn lỗ chân lông. Một nghiên cứu năm 2017 cũng cho thấy papain có thể cải thiện sẹo.
3 lưu ý khi ăn đu đủ, tránh đầu độc tế bào
Mặc dù đu đủ có nhiều lợi ích, nhưng vẫn có một số điểm cần cẩn thận khi ăn, dưới đây là 3 lưu ý bạn cần nắm rõ.
- Đu đủ ăn quá nhiều, da dễ chuyển sang màu vàng, điều này là do chất carotene không thể chuyển hóa được và lắng đọng trong da. Để khắc phục tình trạng này, bạn chỉ cần ngừng ăn đu đủ và các loại thực phẩm chứa nhiều carotene (cà rốt) trong nửa tháng, sắc tố trên da sẽ từ từ biến mất.
- Đu đủ là một trong những loại trái cây có hàm lượng kali cao, những người phải áp dụng chế độ ăn ít kali nên tránh ăn đu đủ.
- Mặc dù có nhiều lợi ích từ hạt đu đủ, nhưng cũng có nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn vô tình ăn một lượng lớn hạt đu đủ, nó có thể làm giảm khả năng sinh sản, thậm chí vô sinh và gây độc cho tế bào, DNA.
Tham khảo thêm tại The Healthy, Ettoday, Eat This