Thực tế, không chỉ nặn mụn mà một số động tác “ngứa tay” thường gặp trong cuộc sống như ngoáy mũi, ngoáy tai… đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra bệnh. Tại sao những hành động tưởng chừng như bình thường này lại gây nguy hiểm cho sức khỏe?
Nặn mụn
Da mặt thường tiết dầu để bảo vệ da. Nếu dầu tiết ra nhiều quá sẽ tích tụ và gây tắc nghẽn các nang lông, cộng với vi khuẩn nhiễm khuẩn sẽ gây sưng tấy, viêm nhiễm hình thành lên mụn.
Nếu “ngứa tay” nặn mụn, hậu quả trực tiếp nhất là đau đớn, dễ để lại vết thâm, rỗ, nhưng nếu là mụn nặn ở vùng tam giác thì mức độ nguy hiểm càng tăng cao.
Trên mặt có vùng tam giác từ khóe miệng 2 bên đến chân mũi. Do tĩnh mạch ở mặt không có van tĩnh mạch, nên máu không những có thể chảy ngược về tim mà còn chảy lên não theo các mạch máu nối với não.
Sau khi nặn mụn ở đây, vi khuẩn có thể xâm nhập lên não thông qua đường máu. Giai đoạn đầu bị viêm nhiễm, người bệnh sẽ có biểu hiện như sốt, nhức đầu, ớn lạnh, khó chịu, trường hợp nặng có thể gây viêm màng não, áp xe, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm tới tính mạng.
Ngoáy tai
Ráy tai trông có vẻ bẩn nhưng thực sự có nhiều lợi ích. Nó chứa nhiều dầu, có thể giữ ẩm cho ống tai, ngăn chặn các vật thể lạ như cát, bụi, bảo vệ được màng nhĩ.
Việc ngoái tay thường xuyên hoặc không đúng cách có thể khiến ráy tai tiết dịch bất thường. Nó sẽ chặn ống thính giác, gây ra các triệu chứng như đau tai, sưng tai, chóng mặt, giảm thính lực. Trong quá trình ngoáy tai có thể bị thủng màng nhĩ, trường hợp nặng gây viêm tai giữa, tổn thương thính giác.
Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc ngoáy tai trong thời gian dài có thể làm hỏng ống tai, thậm chí gây ung thư. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin rằng, một người phụ nữ ở Vũ Hán luôn có cảm giác ngứa tai, suốt 30 năm, bà thường xuyên ngoáy tai và cuối cùng phát triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy trong tai.
Ngoáy mũi
Chất nhầy trong mũi có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn và chất độc hại trong không khí xâm nhập trực tiếp vào cơ thể người, đây là hàng rào bảo vệ tự nhiên. Nếu bạn ngoáy mũi thường xuyên, hàng rào này bị phá vỡ, khiến mũi bị khô và nhạy cảm hơn. Lúc này, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào, dẫn tới một số triệu chứng như hắt hơi, dị ứng.
Hơn nữa, tay của chúng ta thường bám nhiều vi khuẩn, virus và nhiều mầm bệnh. Khi ngoáy mũi trực tiếp, vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào khoang mũi, làm việc nhiễm trùng nặng hơn.
Ví dụ, bệnh lao do nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, hay bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn Streptococcus pneumoniae, chúng đều dễ dàng xâm nhập qua đường hô hấp là lỗ mũi.
Nếu móng tay quá dài hoặc quá cứng, các mao mạch trong hốc mũi sẽ dễ bị tổn thương trong quá trình ngoáy mũi. Điều này có thể dẫn tới việc các mạch máu bị vỡ, gây xuất huyết mũi và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào hơn.
Bóc môi khô
Độ dày của niêm mạc môi chỉ bằng 1/3 so với da, nó rất nhạy cảm với không khí lạnh, nhiệt độ thấp, môi trường hanh khô, dễ gây ra tình trạng khô và bong tróc.
Nếu dùng lưỡi liếm môi, mặc dù nước bọt có thể làm ẩm môi trong thời gia ngắn nhưng lại bay hơi nhanh chóng, đồng thời cũng lấy đi nước trong môi. Điều này khiến cho càng liếm, môi sẽ càng khô hơn. Vòng luẩn quẩn khô ráp sẽ dẫn tới các triệu chứng như viêm môi mãn tính như nứt nẻ, sưng, đóng vảy, chảy máu...
Việc tự ý bóc da khô ở môi bằng tay không đúng cách, hậu quả tức thì sẽ gây đau đớn, chảy máu mô, gây ra việc nhiễm trùng, vết thương khó lành.
Xước măng rô tay
Xước măng rô là một vấn đề về da khá phổ biến, nó liên quan đến các vấn đề về da khô, lạm dụng chất tẩy rửa, xà phòng, ma sát vật lý, thiếu vitamin, kẽm và nhiều chất khác. Nếu thường xuyên bị xước măng rô và xé chúng, hậu quả trực tiếp da vùng này bị tổn thương đau đớn. Ngoài ra, điều này còn có thể gây ra một số vấn đề như viêm sưng tấy hoặc nhiễm trùng.