Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến thời điểm hiện tại (năm 2023) trên thế giới có khoảng 35,6 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ. Ước tính số người bệnh vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi và tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Trong đó, các nước có nền kinh tế đang phát triển chiếm tỉ lệ người bị mất trí nhớ cao hơn các nước phát triển.
Cũng theo một khảo sát tại Nhật Bản, có tới khoảng 6 triệu bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ, trong đó có khoảng 50% mắc bệnh Alzheimer. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do tích tụ 2 loại protein trong não gồm mảng (amyloid beta) và đám rối (TAU). Để ngăn ngừa việc tích tụ 2 dạng protein trên cũng như giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do các yếu tố khác, việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống một cách khoa học là điều vô cùng quan trọng.
Giáo sư Hachiro Sugimoto
Giáo sư Hachiro Sugimoto (80 tuổi, Nhật Bản) - giáo sư về y học đời sống tại Đại học Doshisha, người phát triển và nghiên cứu thuốc điều trị bệnh Alzheimer, chỉ ra rằng Alzheimer là căn bệnh mà trong đó các tế bào thần kinh não dần chết đi. Từ 40 tuổi não bắt đầu tích tụ protein amyloid beta và 50 tuổi trở đi là thời điểm bắt đầu tích tụ protein TAU. Chính vì vậy mỗi người, đặc biệt người trên 40 tuổi nên bắt đầu hình thành các thói quen sinh hoạt tốt cho não để đẩy lùi chứng Alzheimer cũng như những bệnh mất trí nhớ khác.
Giáo sư Hachiro Sugimoto cho rằng, chứng mất trí nhớ còn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, ít vận động, hút thuốc lá và không thường xuyên giao tiếp, kết nối với những người xung qunah.
Trước câu hỏi cần chú ý những điều gì trong việc ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, giáo sư Hachiro Sugimoto cho biết ngoài thói quen tập thể dục nêu trên, ông còn hình thành thói quen dậy từ 5h sáng để đọc sách và dành 2 giờ đi bộ vào buổi chiều mỗi ngày. Cùng với đó, ông cũng duy trì chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể để duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phù.
Ngoài ra, Hachiro Sugimoto cũng đưa ra 3 thói quen sinh hoạt nên tránh để giảm nguy cơ mất trí nhớ.
1. Ăn quá nhiều bánh mì trắng, đồ ngọt
Bánh mì trắng là thực phẩm có chỉ số GI cao. Một cô gái 22 tuổi từng ăn bánh mì trong 3 bữa và đã dẫn đến các vấn đề về đường tiết niệu. Cô gái phát hiện chỉ số glycated hemoglobin (HbA1c) của mình cao tới 9,6 và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Hachiro Sugimoto cho biết, so với người khỏe mạnh, người tiểu đường có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn. Đồng thời, người béo phì cũng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 2,44 lần.
Các loại thực phẩm như bánh mì trắng khi được nướng ở nhiệt độ cao, hàm lượng sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs) cũng sẽ cao hơn. Những chất này có thể tích tụ trong não và gây xơ cứng động mạch, dẫn đến mất trí nhớ. Chính vì vậy, nên hạn chế việc sử dụng bánh mì trắng trong khẩu phần ăn mỗi ngày, đặc biệt với những người cao tuổi.
Cùng với việc hạn chế ăn đồ ngọt và những thực phẩm chứa nhiều tinh bột trắng, mỗi ngày cũng nên dành ra 30 phút tập các bài aerobic. Điều này có thể cải thiện lưu lượng máu cũng như ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống như tiểu đường, huyết áp cao và béo phì.
Giáo sư Hachiro Sugimoto chia sẻ, trước đây ông thường tập kiếm đạo. Kể cả trong thời kỳ cách ly do COVID-19, ông cũng không hề lơ là và tiếp tục luyện kiếm ở nhà. Mặt khác, các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng, ngủ ngon có thể ngăn ngừa tổn thương não nhờ việc loại bỏ chất amyloid beta. Chính vì vậy, nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày.
2. Không chú ý vệ sinh răng miệng
Giáo sư Hachiro Sugimoto chỉ ra rằng, các thí nghiệm trên động vật đã phát hiện, so với những con chuột mắc bệnh Alzheimer không mắc bệnh nha chu, những con chuột mắc bệnh nha chu có lượng amyloid beta kết tủa trong não cao gấp 1,5 lần. Từ đó có thể suy đoán phần nào tác động tiêu cực của vi khuẩn nha chu đến não.
Yoshiya Hasegawa, bác sĩ chuyên khoa chứng bệnh mất trí nhớ tại Nhật Bản, cũng phát hiện ra rằng một khi bệnh nhân có hàm răng xấu và không thể nhai kỹ sẽ khiến não bộ và sức khỏe bị suy giảm. So với những người không mắc bệnh nha chu, xác suất mắc chứng mất trí nhớ ở bệnh nhân mắc bệnh nha chu cao hơn 14%.
Bởi bệnh nha chu đa phần là bệnh viêm mãn tính do vi khuẩn gây ra, trong trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến rụng răng. Khi chức năng nhai bị suy giảm do mất răng, các vùng hoạt động của não sẽ bị giảm sút dẫn đến việc người bệnh dễ mắc chứng mất trí nhớ hơn. Chính vì vậy, bác sĩ Hachiro Sugimoto khuyên nên đánh răng 20 phút sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ, đồng thời ngăn ngừa bệnh nha chu bằng cách chăm sóc răng miệng thật cẩn thận.
3. Ít kích thích trí não, cô lập với xã hội
Một thói quen phổ biến nên hạn chế chính là việc ngồi trước TV hoặc lướt điện thoại giải trí cả ngày, chẳng những khiến trí não trì trệ ít hoạt động mà còn dẫn đến thiếu vận động do không ra ngoài, giảm thiểu cơ hội giao tiếp, gặp gỡ với người xung quanh.
Giáo sư Hachiro Sugimoto cho biết, chìa khóa ngăn ngừa chứng mất trí nhớ là tìm ra một môi trường thích hợp, nơi bạn có thể cảm thấy hạnh phúc và duy trì các mối quan hệ cá nhân bền vững. Ví dụ như những người phụ nữ có thể kết bạn với những bà nội trợ khác xung quanh, những người nuôi chó có thể kết bạn với hội người yêu chó…
Giáo sư Hachiro Sugimoto cũng chỉ ra rằng cuộc sống cô độc, đơn điệu hàng ngày khiến não bộ ít kích thích. Nên giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, kích thích hoạt động của não bằng cách thường xuyên đọc sách và nói chuyện, trao đổi với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, những người có suy nghĩ ích kỷ hay thái độ tiêu cực, thù địch với người khác sẽ bị xã hội xa lánh. Sự cô lập này cũng là một trong những yếu tố dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Chính vì vậy, việc duy trì tương tác xã hội, tạo dựng các mối quan hệ tích cực là điều rất quan trọng. Mỗi người nên có thái độ hoà nhã vui vẻ, suy nghĩ từ góc độ của người khác và tăng cường giao tiếp cùng bạn bè và những thành viên khác trong gia đình.
Nguồn: edh.tw