Chia sẻ với phóng viên tại chương trình “Hạt mầm hạnh phúc” do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn tổ chức, Đại úy Ngô Văn Cường và Đại úy Nguyễn Thị Hạnh, công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật cho biết, chị Hạnh từng trải qua sinh non, vỡ tử cung và nhiều lần thất bại khi thực hiện IVF, cùng những biến cố gia đình liên tiếp khiến cả hai suy sụp.
Chị chia sẻ: “Nỗi sợ thất bại đã khiến tôi mất niềm tin vào hành trình làm mẹ.” Nhiều giọt nước mắt đồng cảm đã rơi trong Gala năm đó.
Giờ đây, anh chị không còn là cặp vợ chồng đầy tự ti, tủi thân như trước. Thay vào đó là hình ảnh gia đình nhỏ 3 người hạnh phúc, với bé Ngô Bảo Châu 7 tháng tuổi.
Cặp vợ chồng quân nhân đã "tìm" được con.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện, cho biết, tiền sử sinh non, vỡ tử cung và suy giảm dự trữ buồng trứng là những thách thức lớn, khiến quá trình điều trị phức tạp và kéo dài
Cùng cảnh ngộ, Đại úy Hoàng Văn Phong (sinh năm 1994), công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1, cùng vợ - cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (sinh năm 1996) - hạnh phúc bế trên tay cặp song sinh hơn 1 tháng tuổi.
Sau khi kết hôn năm 2019, họ mong mỏi có con nhưng chờ mãi tin vui vẫn không đến. Qua thăm khám, anh Phong phát hiện bị yếu tinh trùng do tiền sử quai bị, còn chị Hằng bị polyp tử cung. Chi phí IVF vượt quá khả năng tài chính của đôi vợ chồng trẻ, buộc họ tạm gác lại ước mơ làm cha mẹ.
May mắn, năm 2023, họ trở thành một trong 10 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí IVF. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi một phôi được cấy ghép trong tử cung chị Hằng tự tách thành hai, tạo nên cặp song sinh đáng yêu.
“Khi biết vợ mang song thai, tôi vừa mừng vừa lo, vì biết trước những nguy cơ tiềm ẩn,” anh Phong nhớ lại. Đến tuần thai thứ 33, chị Hằng phải mổ cấp cứu vì vỡ ối, hai bé trai sinh non nhưng khỏe mạnh, chào đời ngày 21/10/2024.
Đại úy Hoàng Văn Phong đón nhận "trái ngọt" từ hành trình đầy thử thách.
Hai bé phải nằm lồng kính một tuần trước khi xuất viện trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Ôm hai con nhỏ trên tay, Đại úy Phong xúc động gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ và chỉ huy đơn vị đã tạo điều kiện tốt nhất để vợ chồng an tâm điều trị và đón nhận “trái ngọt” từ hành trình đầy thử thách.
Theo thống kê, hiện nay toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên. Tuy nhiên, hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài.
Đặc biệt, với các quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm.