Sau khi khỏi COVID-19, một số triệu chứng vẫn tồn tại nhiều tháng sau đó
Chúng ta đều biết rằng, coronavirus gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể ngoài hệ hô hấp. Ngoài những bệnh nhân nặng cần hỗ trợ bằng máy thở, có một số trường hợp nhẹ của COVID-19 mà không cần phải nhập viện. Sau nhiều tháng, dường như cơ thể đã chống lại được coronavirus nhưng họ vẫn cảm thấy ốm yếu hàng tháng trời.
Zijian Chen, người đứng đầu trung tâm phục hồi Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ nói rằng, những bệnh nhân này đang chịu đựng “hội chứng COVID-19 kéo dài”. Báo cáo cho biết, những bệnh nhân này đều có chung những triệu chứng lạ sau khi được xác nhận là khỏi bệnh như mệt mỏi, đau đớn, khó thở, nhạy cảm với ánh sáng, mất ngủ, tim đập nhanh không thể giải thích, tiêu chảy, chuột rút, suy nhược, có vấn đề về trí nhớ, “sương mù não”…
Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này tiếp tục không suy giảm so với giai đoạn cấp tính của bệnh. Giống như ở một mức độ nào đó, việc nhiễm trùng không thực sự biến mất hoàn toàn. Đối với một số ít bệnh nhân, các triệu chứng mới xuất hiện sau đó, như thể một căn bệnh khác đã tự hình thành trong cơ thể họ.
Lada Beara Lasic, một bác sĩ bị nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 4 năm ngoái, sau 3 tuần điều trị, cô nghĩ mình đã bình phục và quay trở lại làm việc. Thế nhưng, ngay ngày hôm sau, cơn đau nhức ập tới và các triệu chứng dần trở nên tồi tệ hơn, đến tháng 6, cô quyết định nghỉ việc để tập trung hồi phục sức khỏe.
Dayna McCarthy, một chuyên gia phục hồi chức năng tại Mount Sinai cho biết: “Nhiều bệnh nhân trong số này trở lại làm việc và không có gì bất thường về tim, phổi, não…, nhưng họ vẫn có những chẩn đoán liên quan tới Covid-19 trở lại”.
Zijian Chen ước tính rằng, khoảng 10% bệnh nhân COVID-19 phát triển các triệu chứng dai dẳng trong nhiều tháng. Những cuộc khảo sát tại Ireland, Faroe, Trung Quốc, cho thấy bệnh nhân nhập viện với COVID-19, sau đó xuất viện vẫn gặp phải ít nhất một triệu chứng 6 tháng sau đó.
Hội chứng COVID-19 kéo dài
Các bác sĩ trên khắp thế giới bối rối trước những thay đổi chóng mặt của các biến thể COVID-19. Dựa trên các phân tích của WHO, các trường hợp COVID-19 nhẹ sẽ được điều trị khỏi trong khoảng 2 tuần. Thực tế, họ vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng bất thường sau cột mốc 2 tuần sau đó. Nhưng các chuyên gia y tế phủ nhận các triệu chứng này, cho rằng đó chỉ là vấn đề tâm lý.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, WHO sử dụng "Long COVID" báo hiệu rằng, thuật ngữ này đã len lỏi vào nhận thức y học chính thống.
Các nhà khoa học luôn đề cập đến khả năng rằng, tình trạng viêm đang diễn ra và các quá trình tự miễn dịch có lẽ là kết quả của việc chống lại virus, có thể dẫn đến các triệu chứng kỳ lạ.
Avindra Nath, giám đốc lâm sàng của Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ nói rằng: “Khi chiến đấu với mầm bệnh, hệ thống miễn dịch đôi khi tiến hành một cuộc tấn công rất chính xác, hoạt động giống như một tên lửa dẫn đường. Nhưng khi cách tiếp cận đó không thành công, nó sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài, dẫn tới nhiều triệu chứng khác nhau”.
Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học tại Đại học Yale đã phát hiện ra rằng, nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19 có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn nam giới. Những bệnh nhân bị COVID-19 nặng có sự gia tăng đáng kể các tự kháng thể nhắm vào hệ thống miễn dịch, tế bào não, mô liên kết và protein làm đông máu.
Chính xác thì bệnh tự miễn dịch có thể gây ra mệt mỏi, suy giảm nhận thức và các triệu chứng khác như thế nào ở những người bị COVID-19 kéo dài? Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn khác, như viêm khớp dạng thấp và bệnh viêm ruột, thường báo cáo tình trạng suy nhược mệt mỏi và “sương mù não”. Họ thậm chí có thể coi sự mệt mỏi này còn tồi tệ hơn cơn đau hoặc cảm giác khó chịu phát ra từ nơi thường được coi là vị trí tấn công - tương ứng là khớp và ruột.
Các nhà khoa học cho biết, việc nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng suy nhược kéo dài, rối loạn chức năng nhận thức, tương tự như những gì xảy ra với các bệnh nhân hồi phục COVID-19. Ngay khi bệnh nhân có kết quả âm tính với COVID-19 sau khi khỏi bệnh, trên thực tế ở đâu đó trên cơ thể vẫn chứa tế bào nhiễm trùng COVID-19.
Amy Proal, một nhà vi sinh vật học của PolyBio Research Foundation, nơi tập trung vào các bệnh viêm mãn tính cho rằng, nếu mọi người cảm thấy mệt mỏi sau khi bị nhiễm trùng, đó có thể là do họ thực tế vẫn đang chiến đấu với căn bệnh nhiễm trùng khác tiềm ẩn.
Hội chứng COVID-19 kéo dài không phải là một hội chứng đơn lẻ, nó kết nối theo nhiều cách khác nhau với những kích hoạt ban đầu như tình trạng ME/CFS.
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu của ME / CFS đã phải đối mặt với sự phức tạp khó chịu này trong nhiều năm. Đó là một thách thức không thể tránh khỏi trong việc quản lý một tình trạng bệnh, có thể là ME / CFS hoặc COVID-19 kéo dài.