Để công bố một người nhiễm Covid-19 cần rất thận trọng
Ngày 13/3, rất nhiều người thắc mắc, tại sao Bộ Y tế công bố thông tin về các ca Covid-19 chậm hơn mạng xã hội và một số nguồn tin khác.
Chẳng hạn: Sáng 12/3, Hà Nội công bố một trường hợp là tiếp viên hàng không dương tính lần 1 với Covid-19. Căn cứ vào đó, nhiều người cho rằng, như vậy Việt Nam lại ghi nhận thêm ca nhiễm tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến 15h cùng ngày, Bộ Y tế vẫn phủ nhận chưa có ca bệnh này.
Đến chiều 13/3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân số 45 là ở TP.HCM khiến một số cơ quan truyền thông đã đăng tin ca bệnh ở Hà Nội phải sửa lại vì không đúng quy định trong việc xác định một người nhiễm Covid-19 của Bộ Y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Về quy định để xác định một người nhiễm Covid-19, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới công nhận 3 đơn vị đầu ngành của Việt Nam đạt chuẩn xét nghiệm, đó là: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Do vậy, nếu các mẫu từ các địa phương gửi trực tiếp đến 3 Viện trên, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì khẳng định bệnh nhân đó mắc bệnh Covid-19.
Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có gần 30 bệnh viện, viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính, họ phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành để xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh Covid-19.
Các chuyên gia y tế họp trực tuyến để ứng phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Lê Hảo)
“Có những việc cần làm ngay và luôn, nhưng có những việc cần bình tĩnh, thận trọng. Chúng tôi là những người làm truyền thông trong ngành y tế. Những thông tin chúng tôi đưa ra không đơn giản chỉ phục vụ thị hiếu, sự tò mò của người dân, mà còn liên quan đến đời sống, mối quan hệ thậm chí sinh mạng của người bệnh hoặc người bị nghi nhiễm bệnh.
Do vậy, để có được thông tin khẳng định về ca bệnh, chúng tôi cần phải kiểm chứng, đối chứng và khi nào khẳng định chắc chắn ca bệnh thì mới công bố và cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân. Chúng tôi gần như là tuyến cuối, thông tin chúng tôi đưa ra ảnh hưởng không chỉ một người mà rất nhiều người. Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc để công bố một ai đó mắc bệnh, chúng tôi cần thận trọng”, ông Nguyễn Đình Anh nói.
Những nơi đủ tiêu chuẩn xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm Covid-19 trong thời gian tới bao gồm:
1. Các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Trung ương.
2. Các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai.
3. Các Bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế.
4. Một số đơn vị khác: Viện Thú Y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú Y Trung ương, 6 Chi cục thú Y vùng.
Những đơn vị này được trang bị thiết bị đúng tiêu chuẩn và cũng đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 (Covid-19).
Mới đây, ngày 7/3, Bộ Y tế đã ban hành quyết định, cho phép Khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện xét nghiệm chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).
Nếu các mẫu do các đơn vị đủ điều kiện và năng lực xét nghiệm, được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn (hiện nay có 30 bệnh viện, viện, Trung kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố) có kết quả dương tính thì những nơi này phải chuyển mẫu về 3 Viện đầu ngành Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định. Nếu xét nghiệm tại 3 Viện này cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh Covid-19.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |