Tập thể dục được coi là tốt cho sức khỏe. Nó có thể giúp bạn giữ được cân nặng hợp lý, cải thiện sức khỏe tim mạch và thậm chí ngăn ngừa trầm cảm. Nhưng giống như hầu hết những thứ khác, quan trọng là bạn đừng làm nó quá mức bởi tập thể dục quá nhiều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể và não bộ của bạn. Vậy, tập thể dục "quá nhiều, quá sức" chính xác là gì?
Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe và lựa chọn tập luyện của bạn. Nhưng nói chung, người trưởng thành nên tập thể dục vừa phải 5 giờ hoặc tập luyện cường độ cao 2,5 giờ mỗi tuần. Hoặc một số người thích kết hợp cả hai. Đó là theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Tập quá sức gây sẹo tim, đau tim, thậm chí là đột quỵ
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tờ Mayo Clinic Proceedings năm 2012 do James H. O'Keefe, Trưởng khoa Tim mạch dự phòng, Viện Tim mạch Trung Mỹ thuộc Hệ thống Y tế Thánh Luca, TP. Kansas (Mỹ) làm trưởng nhóm, những người chạy bộ ở mức độ từ thấp đến trung bình có nguy cơ tử vong thấp hơn những người không tập thể dục.
Tuy nhiên, nếu bạn chạy với tốc độ nhanh hơn 3 lần/tuần thì nguy cơ tử vong lại tương đương với người không chạy. Vì vậy, chạy quá nhiều hoặc cường độ quá cao dường như làm mất đi một số lợi ích sức khỏe thu được từ việc chạy thường xuyên.
Ở một số người tập luyện vất vả, chẳng hạn như chạy bền đường dài (thậm chí cực dài), cũng có thể dẫn đến tổn thương tim, rối loạn nhịp tim và mở rộng động mạch. Trong số 102 người (chạy bền đường dài thường xuyên) tham gia thử nghiệm của nghiên cứu, 12% trong số đó bị sẹo ở tim, con số này cao gấp 3 lần so với ở những người không chạy.
Đồng thời, người chạy bền đường dài thường xuyên có nhiều khả năng bị đau tim hoặc các vấn đề khác liên quan đến tim, thậm chí là đột quỵ. Nhóm của ông O'Keefe cũng tin rằng việc tập luyện sức bền cực độ đặt ra yêu cầu quá cao đối với hệ thống tim mạch, nếu nó được lặp đi lặp lại trong thời gian dài, tim không có đủ thời gian để tự phục hồi sẽ làm dày thành cơ tim, dẫn đến mô sẹo ở tim.
Nó cũng gây ra suy giảm miễn dịch, giảm hormone sinh dục...
Một nghiên cứu khác được trình bày tại cuộc họp thường niên của Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ năm 2012, cho thấy phụ nữ ít có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ hơn nếu họ hoạt động thể chất ít nhất 1 lần/tuần. Nhưng nguy cơ này sẽ tăng cao đối với những phụ nữ tập thể dục gắng sức mỗi ngày. Vì vậy, tập thể dục quá mức không mang lại nhiều lợi ích hơn tập thể dục vừa phải mà nó còn gây ra nhiều rủi ro hơn.
Chẳng hạn với phụ nữ tập 3 môn kết hợp (chạy đường dài, bơi và đạp xe), họ có nguy cơ cao phải đối mặt với mất kinh, loãng xương hoặc mất chất khoáng ở xương và rối loạn ăn uống do sự kết hợp giữa vận động quá mức và việc hạn chế calo hấp thu.
Đối với nam giới, tập thể dục quá mức đã được chứng minh là làm giảm ham muốn tình dục có thể do cơ thể bị mệt mỏi và testosterone ở mức thấp hơn. Đối với cả nam và nữ, tập thể dục "quá đà" làm tăng nguy cơ chấn thương như viêm gân và gãy xương do căng thẳng. Những chấn thương này là kết quả của chấn thương lặp đi lặp lại và hệ thống miễn dịch của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù tập thể dục vừa phải có thể cải thiện hệ thống miễn dịch của bạn, nhưng tập thể dục quá mức thực sự sẽ phá tan những gì bạn mong muốn.
Sau khi tập thể dục quá mức, cơ thể cần thời gian phục hồi ít nhất là 72 giờ. Khi đó, khả năng miễn dịch bị suy giảm, vi rút và vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập, lây nhiễm vào cơ thể hơn. Và đó là lý do tại sao những người tập thể dục quá sức thường bị nhiễm trùng đường hô hấp trên nhiều hơn.
Não bộ bị tàn phá bởi tập luyện quá sức
Như vậy, chúng ta đã biết tập thể dục quá mức có thể tàn phá cơ thể của bạn, đặc biệt là tim, gân, dây chằng và hệ thống miễn dịch như thế nào rồi. Nhưng bên cạnh đó, việc làm này cũng sẽ tàn phá bộ não của bạn do chứng "nghiện" tập luyện gây ra. Triệu chứng của nó là khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc kiệt sức khi bỏ lỡ một buổi tập, hoặc cảm thấy thiếu kiểm soát và không thể cắt giảm việc tập luyện, ngay cả khi biết nó đang làm hại sức khỏe của bạn.
Tóm lại, bạn không nên từ bỏ việc luyện tập mà điều quan trọng là điều chỉnh thời gian và cường độ tập sao cho hợp lý, vừa sức mình.
Nguồn và ảnh: WebMD, Business Insider, Mayo Clinic Proceedings