Khi nhắc đến cholesterol, ai cũng nghĩ đây là một "thủ phạm" gây ra nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên thực tế, cholesterol không phải là thành phần xấu của máu mà cũng là thành phần quan trọng của lipid máu. Nó được nhiều cơ quan trong cơ thể sử dụng để duy trì hoạt động hàng ngày.
Cholesterol trong máu gồm 2 loại chính là cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL). Cholesterol xấu tăng cao liên tục sẽ thúc đẩy hiện tượng lắng đọng mỡ thành mạch máu dẫn đến xơ vữa động mạch. Thậm chí nếu không can thiệp kịp thời, chúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống và suy giảm tuổi thọ.
Cholesterol cao là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm bậc nhất
Nguyên nhân gây ra cholesterol cao có thể bao gồm di truyền, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, tiền sử gia đình… Ngoài ra, một số bệnh lý khác như bệnh tiểu đường và bệnh tuyến giáp cũng khiến cholesterol tăng cao. Nghiêm trọng hơn, stress kéo dài ở nhiều người cũng làm ảnh hưởng đến mức cholesterol.
Theo Cleveland Clinic - một tập đoàn về chăm sóc y tế lớn tại Ohio (Mỹ), khi nghi ngờ cholesterol máu cao, bạn sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm mỡ máu để xác định nồng độ cholesterol trong máu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên để ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể, từ đó phát hiện bệnh sớm và điều trị.
Dấu hiệu cholesterol cao biểu hiện ở "vòng 3"
Các chuyên gia tại Cleveland Clinic cho biết, một trong những triệu chứng "đầu tiên và nổi bật" của cholesterol cao chính là đau "vòng 3" cách hồi. Khi gặp phải, bạn sẽ bị đau nhức tại vùng mông nhưng không liên tục. Cơn đau này giống như bị chuột rút, khoảng vài giây hoặc vài phút nhức lên rồi lại hết. Chúng thường xuất hiện khi bạn vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi.
Ngoài việc đau cách hồi ở mông, dấu hiệu này còn lan sang chân nếu cholesterol trong cơ thể đang ở ngưỡng báo động. Vào ban đêm thì cơn đau này sẽ trầm trọng hơn. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy chân lạnh hơn, màu da chân thay đổi, dễ bị nhiễm trùng và xuất hiện các vết loét mãi không lành.
Đau cách hồi ở mông là dấu hiệu sớm, dễ nhận thấy khi cholesterol cao
Ngoài dấu hiệu trên, dưới đây là một số các triệu chứng phổ biến khác khi bạn có cholesterol cao:
- Cảm giác đau ngực: Đau ngực hoặc cảm thấy nặng ngực có thể xuất hiện khi các mảng bám gây tắc nghẽn động mạch trong tim. Đây còn là triệu chứng của bệnh động mạch vành.
- Mệt mỏi: Người bị cholesterol cao sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, do tim không cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
- Mất trí nhớ và giảm sự tập trung: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, mức cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến chức năng não, gây mất trí nhớ và giảm tập trung trong các hoạt động hàng ngày.
- Sưng nướu và chảy máu chân răng:Mức cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến sức đề kháng của nướu răng, từ đó gây sưng nướu và chảy máu chân răng.
- Vùng cổ và đầu đau đớn: Các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi ở vùng cổ… có thể xuất hiện do lưu thông máu gặp trục trặc.
Giảm nguy cơ cholesterol cao như thế nào?
Cholesterol cao là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, yêu cầu bạn phải nghiêm túc tìm phương pháp phòng ngừa. Phòng ngừa cholesterol cao để giảm nguy cơ bệnh tim mạch, cũng như một loạt các vấn đề sức khỏe khác. Theo các chuyên gia, bạn cần thay đổi lối sống khoa học hơn để giảm thiểu nguy cơ mắc cholesterol cao.
Đầu tiên là cần thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày. Bạn nên hạn chế tiêu thụ thức ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau cải, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt... Ưu tiên dùng chất béo thực vật với lượng thích hợp, đặc biệt là không nên sử dụng quá nhiều muối.
Bên cạnh đó, tập luyện thường xuyên cũng quan trọng. Hãy cố gắng vận động mỗi ngày bằng cách đi bộ nhanh, chạy, bơi lội hoặc yoga… đều tốt. Những người thừa cân hoặc béo phì cũng được khuyến khích giảm cân, mục đích nhằm kiểm soát cholesterol tốt hơn.
Hãy ăn uống đều độ, tập thể dục thường xuyên để phòng ngừa bệnh tật
Với trường hợp nặng, cần kiểm soát cholesterol trong máu sớm thì phương pháp điều trị thích hợp là dùng thuốc. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ rồi mới sử dụng. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh nhằm giảm cholesterol cơ thể hấp thu và tăng chuyển hóa cholesterol sử dụng.
Nguồn: Indiatimes, Healthline