"Tôi suy sụp", chị Mai không thể quên khoảnh khắc khi nhận được tin mình sắp chết, vào năm 2014. Nay, chị đã 42 tuổi, vẫn sống khỏe "như có phép màu", mỗi ngày luôn tay luôn chân với các công việc nội trợ. Ít ai biết căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối đã đeo đuổi chị hơn 10 năm nay, bởi người phụ nữ luôn sống vui vẻ, không tỏ ra mình là người yếu ớt, mang bệnh.
4 tháng trước khi phát hiện bệnh, chị Mai bị nóng rát vùng thượng vị rồi lan lên cổ. Chị tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Dần dần, người phụ nữ đau âm ỉ theo cơn, chỉ diễn ra vài phút. Chị đi nội soi ở một bệnh viện tư, được chẩn đoán viêm hang vị, kê thuốc về nhà uống. "Lần đó cũng như lần trước, khi còn thuốc thì êm nhưng hết thuốc là lại đau", chị Mai kể.
Sau đó, cơn đau tăng dần, lặp lại cả ngày lẫn đêm theo giờ. Người phụ nữ đến Bệnh viện Bạch Mai khám, kết quả sinh thiết cho thấy chị bị ung thư dạ dày. Không tin mình mắc bệnh hiểm nghèo, chị lại sang Bệnh viện K nội soi "cầu may", song nhận kết quả tương tự.
Trích sao bệnh án của chị Mai 10 năm trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vào viện một tuần, người phụ nữ được chỉ định phẫu thuật bởi ung thư đã đến giai đoạn cuối. Các bác sĩ cắt dạ dày, vét hạch, lấy nhân di căn ở gan và mạc treo, cắt buồng trứng phải. Ê kíp tiên lượng "bệnh nhân chỉ sống được tối đa 6 tháng".
"Bác sĩ thông báo với chồng tôi rằng sự sống của tôi chỉ còn tính tháng, tính ngày, bảo gia đình cố gắng dành thời gian được ngày nào hay ngày ấy", chị Mai nói. Ngày nhận tin dữ, chị suy sụp và khóc nhiều, nghĩ hai con còn quá nhỏ, nếu mồ côi mẹ sẽ sống khổ.
Hậu phẫu, người phụ nữ mệt mỏi, chỉ còn 37 kg. 10 ngày sau, chị được chuyển sang điều trị hóa trị, nhưng bác sĩ thấy bệnh nhân quá yếu nên cho về nhà nghỉ ngơi. Khi đó, mọi người đến thăm, khi ra về ai cũng lắc đầu nói với nhau rằng: "Không chắc nó đã qua được cái Tết này, nhìn hai đứa con còn nhỏ dại của nó mà thương quá".
Một tháng sau mổ, chị Mai mới có thể tiếp nhận điều trị. Tuy nhiên, cơ thể chị cứ thế yếu dần. 5 ngày đầu sau truyền thuốc, chị hầu như sinh hoạt tại giường. "Khi đó, tôi mệt đến nỗi không thể ngóc đầu dậy đánh răng, rửa mặt", chị nhớ lại.
Vì cắt bỏ dạ dày, việc ăn uống của chị Mai trở nên khó khăn, khiến sức khỏe ngày càng sa sút. Trải qua 8 đợt truyền hóa chất, 6 lần người phụ nữ phải tiêm thuốc kích tạo bạch cầu vì lượng bạch cầu bị hạ. Đợt truyền cuối, chị bị hạ bạch cầu độ 3, tưởng phải bỏ giữa chừng, nhưng nhờ chồng động viên và nhìn hai con còn quá nhỏ, chị Mai gắng gượng vượt qua.
Chị Mai sống khoẻ sau 10 năm phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tháng 2/2015, chị Mai được xuất viện nhưng hệ tiêu hóa kém, thể trạng khá yếu ớt. Từ đó, nhờ tinh thần lạc quan, người phụ nữ cố gắng ăn uống, lắng nghe cơ thể để điều chỉnh sinh hoạt.
Người phụ nữ không kiêng khem quá khắt khe mà chỉ dừng tiêu thụ các thức ăn cứng, dai hay khó tiêu. Chị chủ yếu ăn thịt, rau ninh nhừ, mềm để cơ thể dễ tiêu hóa. Sau mỗi bữa ăn, nếu chị nói chuyện nhiều, nói to hoặc vận động mạnh sẽ khó chịu, đau quặn bụng và đi ngoài phân sống. Do đó, chị thường ngồi nghỉ ngơi 25-35 phút sau khi ăn.
Từ khi ra viện, chị không phải dùng thêm thuốc. Thỉnh thoảng bị viêm miệng nối, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để gia đình tự mua. Người phụ nữ cũng duy trì lịch tái khám 3-6 tháng/lần. Ngoài ra, chị Mai bổ sung thêm các thực phẩm chức năng giúp nâng cao hệ miễn dịch và đào thải độc tố. Đồng thời, uống nấm linh chi hãm cùng táo đỏ để an thần, giảm mệt mỏi suy nhược thần kinh, giúp ngủ ngon giấc hơn. Bà mẹ hai con cũng duy trì việc vận động, đi bộ 30-60 phút/ngày.
Thời điểm phát hiện bệnh ung thư, hai con của chị Mai con rất nhỏ, bé lớn đang học lớp 3, bé nhỏ còn tuổi mẫu giáo. Khi ấy, chị ao ước được nhìn các con lớn lên, nên luôn lấy đó làm động lực sống. Hiện tại các con của chị đều đã đến tuổi trưởng thành, con trai lớn đã học xong năm nhất đại học, con gái nhỏ cũng vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Giờ đây, chị Mai lại mong mỏi được sống thêm nhiều năm để thấy các con tốt nghiệp, có việc làm và cuộc sống ổn định. "Tôi mong bệnh của mình sẽ ổn định, không tái phát để có cơ hội được thấy các con thành tài", chị nói thêm.
Các nghiên cứu cho thấy tinh thần tích cực đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với ung thư. Do quan niệm ung thư là án tử, không có khả năng cứu chữa, nên không ít người sốc, chấn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí muốn chết khi nhận tin K. Công trình của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc bệnh ung thư cao hơn 85% so với dân số chung. Trong đó bệnh nhân ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất. Vì vậy, duy trì tâm lý tích cực cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối là vô cùng cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ giúp cho việc điều trị bệnh của họ tiến triển tích cực hơn, các chuyên gia nhận định.
Chị Mai cho biết luôn trân trọng từng khoảnh khắc bên người thân, bạn bè. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Globocan 2022 ghi nhận Việt Nam có hơn 16.000 người mắc mới ung thư dạ dày, tỷ lệ tử vong là hơn 13.000 ca. Các biểu hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường không rõ ràng như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng; cảm giác buồn nôn, nôn; đau âm ỉ vùng thượng vị khi ăn no... Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh rối loạn tiêu hóa thông thường hoặc viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...
Tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn cao, khoảng hơn 95% phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Lúc này, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật hoặc còn khả năng phẫu thuật nhưng nguy cơ cao tái phát trong vòng 5 năm. Tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng dưới 20%, rất ít người may mắn sống khỏe mạnh sau khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn như chị Mai.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên thăm khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm, chú ý đến những triệu chứng bất thường, cảnh báo nguy cơ ung thư dạ dày. Nhóm người nguy cơ cao nên tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện bệnh giai đoạn sớm, điều trị kịp thời.