Loại đồ uống làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ, hại gan nếu uống quá nhiều: Không ít người Việt vẫn "mê mệt"

Dịp cuối năm Tết đến xuân về là khoảng thời gian để mọi người có cơ hội gặp mặt, do đó uống rượu bia là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, việc sử dụng rượu bia quá mức là nguyên nhân gây ra 200 bệnh lý khác nhau.

Rượu bia làm gia tăng nguy cơ đột quỵ

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho sức khoẻ. Rượu bia là yếu tố thúc đẩy nguy cơ gia tăng các bệnh lý liên quan tới tim mạch, tiêu hoá, đột quỵ và nhiều bệnh lý khác.

Theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, uống quá nhiều rượu làm tăng gấp 5 lần nguy cơ tai biến mạch máu não (đột quỵ).

Bác sĩ Vũ cũng cho biết, rượu bia là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, chiếm tỷ lệ cao ở người bị đột quỵ, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguyên nhân được vị bác sĩ lý giải là do các chất có trong rượu bia có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến não gây ra đột quỵ, hoặc gián tiếp gây ra đột quỵ do làm thay đổi những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ (như tăng mỡ máu, tăng đường huyết, tăng huyết áp, xơ xữa động mạch, tổn thương các cơ quan gan, thận, não,…).

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến hơn ở nhóm người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ đang có xu hướng trẻ hoá, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ có chiều hướng gia tăng, chiếm 10-15% tổng số ca đột quỵ.

Loại đồ uống làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ, hại gan nếu uống quá nhiều: Không ít người Việt vẫn ‘mê mệt’ - Ảnh 1.

Rượu bia làm gia tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Vũ cho hay, một nghiên cứu trên bệnh nhân đột quỵ não cho thấy tiền sử uống rượu chiếm tỷ lệ cao và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ não ở bệnh nhân dưới 45 tuổi. Ở những bệnh nhân có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường,… rượu bia sẽ là một yếu tố thúc đẩy, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày tăng nguy cơ đột quỵ hơn 34% so với người ít uống hoặc không uống rượu. Người thường xuyên sử dụng rượu với liều lượng cao sẽ dễ đối mặt với đột quỵ sau tuổi 50.

Tác hại ngắn hạn và dài hạn từ rượu bia

Rượu, bia dùng ít có thể tăng sự hưng phấn, giúp con người cởi mở, dễ dàng kết bạn, hoà đồng hơn. Nhưng nếu sử dụng rượu quá mức có tác dụng ngay lập tức làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng có hại.

Sử dụng rượu bia tới mức say có thể gia tăng nguy cơ chấn thương: tai nạn, té ngã, đuối nước,… Uống nhiều rượu cũng sẽ tăng nguy cơ bị ngộ độc, đột quỵ cấp, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp,…

Theo bác sĩ Vũ, việc sử dụng rượu kéo dài thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ tiến triển các bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như: viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan và các vấn đề về tiêu hóa.

Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng rượu còn có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan, tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác như: ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, đại tràng và trực tràng.

"Lạm dụng rượu còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh, suy giảm trí nhớ. Uống rượu có thể gây nghiện và gia tăng các bệnh lý về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng", bác sĩ Vũ cho hay.

Để có một sức khoẻ tốt trong dịp hội hè, lễ Tết, chuyên gia lưu ý mọi người cần hạn chế rượu bia, có chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Khi cơ thể có bất cứ triệu chứng gì bất thường cũng nên đi khám bệnh sớm.