Theo BSCKII. Huỳnh Tuấn Vũ, Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, khế được coi là có một số tác dụng có lợi cho sức khỏe. Chúng bao gồm các tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết, hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, chống viêm, chống nhiễm trùng, chống ung thư và tăng cường miễn dịch.
Tác dụng hạ đường huyết và trị đái tháo đường: Mỗi quả khế đều có lượng chất xơ cao, điều này góp phần mang lại tác dụng có lợi cho cân bằng nội môi glucose. Các chất xơ không hòa tan ức chế hoạt động của α-amylase và làm chậm quá trình giải phóng glucose từ tinh bột.
Khế có tác dụng hạ cholesterol máu, chống viêm, chống nhiễm trùng, chống ung thư và tăng cường miễn dịch.
Tác dụng hạ cholesterol máu: Ăn khế làm tăng khả năng loại bỏ cholesterol và axit mật ra khỏi cơ thể. Ngoài ra còn có sự giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh và gan. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 bởi Herman-Lara và cộng sự đã phát hiện ra rằng, việc cho chuột C57BL/6 ăn chất xơ vi mô từ khế làm giảm đáng kể nồng độ triacylglyceride trong huyết thanh, cholesterol toàn phần trong huyết thanh và lipid gan ở các mức độ khác nhau. Nó làm được điều này bằng cách tăng cường bài tiết lipid và cholesterol.
Hoạt tính chống oxy hóa: Khế có hoạt tính chống oxy hóa cao và có khả năng loại bỏ các loại oxy phản ứng (ROS) và các gốc tự do khác một cách hiệu quả. Loại quả này có hàm lượng flavonoid, proanthocyanidin, vitamin C, saponin β-carotene, alkaloid, tannin và axit gallic cao. Nó có thể ức chế hoạt động của cytochrome P450 3A.
Tác dụng chống viêm: Mức độ của các yếu tố gây viêm đã được đánh giá ở những người cao tuổi sống trong cộng đồng, sau khi tiêu thụ nước ép khế trong 4 tuần. Đã quan sát thấy sự giảm yếu tố hoại tử khối u (TNF)-alpha, interleukin (IL)-23 và oxit nitric (NO).
Tác dụng tim mạch: Flavone C-glycoside, apigenin (còn gọi là carambola flavone), là chất chuyển hóa thứ cấp của lá Averrhoa carambola chặn dòng Ca 2+ ngoại bào bằng cách tương tác với các kênh hoạt động bằng điện áp và các tác động này có thể là do sự hiện diện của apigenin.
Tác dụng chống nhiễm trùng: đã phân lập được hai hợp chất (p-anisaldehyde và β-sitosterol) từ vỏ cây A. carambola có tác dụng ức chế mạnh sự phát triển của Escherichia coli và có hoạt tính ức chế nhẹ đối với nấm.
Tác dụng chống ung thư: Đã nghiên cứu vai trò dự phòng của chiết xuất Averrhoa carambola chống lại ung thư biểu mô tế bào gan do hóa chất gây ra ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Họ nhận thấy việc sử dụng chiết xuất khế Averrhoa đã dẫn đến giảm tỷ lệ mắc khối u, số lượng khối u và gánh nặng khối u trong mô hình chuột bị ung thư biểu mô tế bào gan khi so sánh với nhóm đối chứng.
Theo Y học cổ truyền, khế thường được sử dụng trong Ayurvedic và Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM), và một số tình trạng lâm sàng mà chúng được sử dụng bao gồm: sốt, ho, tiêu chảy, nhức đầu mãn tính, rối loạn viêm da (chàm) và nhiễm nấm da. Quả chín còn được dùng ở một số nước để chữa bệnh trĩ chảy máu. Theo Y học cổ truyền Việt Nam, quả khế vị chua và ngọt, tính bình có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua và chát, tính bình có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá vị chua và chát, tính bình có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hoa vị ngọt, tính bình có tác dụng trừ sốt rét.
Công dụng: Quả trị ho, đau họng, lách to sinh sốt. Rễ trị đau khớp, đau đầu mạn tính. Thân và lá trị sổ mũi, viêm dạ dày ruột, giảm niệu, chấn thương bầm giập, mụn nhọt và viêm mủ da. Hoa trị sốt rét, trẻ em kinh giản; còn chữa chứng thận hư, kém tinh khí, ho khan, ho đờm, Kiết lỵ. Vỏ cây vhữa ho, trẻ em lên sởi, giúp sởi mọc tốt.
Một số bài thuốc từ khế
Quả khế: Có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, trừ phong, tiêu viêm, lợi tiểu và long đờm.
Trị ho và đau họng: Quả khế tươi khoảng 100-150g ép nước uống trong 3-5 ngày.
Chữa tiểu tiện không thông: Theo Nam dược thần hiệu, lấy khế 7 quả, mỗi quả lấy 1/3 quả chỗ gần cuống sắc với 600ml nước để còn 300 ml, uống lúc ấm nóng. Kết hợp 1 quả khế giã nát với 1 củ tỏi đắp lên rốn, dùng liên tục 3-5 ngày.
Trị cảm cúm (sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau mình mẩy): Khế 3 quả nướng sau vắt lấy nước cốt hòa cùng 50 ml rượu trắng và uống chia 1 hoặc 2 lần, làm trong 3 ngày, không uống khi quá no hoặc đói.
Hoa khế: Có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trừ ho, chỉ khát và bổ thận sinh tinh.
- Chữa ho khan, ho có đờm: Hoa khế (sao với nước gừng) 12g, cam thảo nam 12g, tía tô 10g, kinh giới 10g, gừng tươi 3 lát. Nấu 750 ml nước, còn 300 ml, chia 2 lần uống trước ăn.
Lá khế: Có vị chua chát, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Trong y học cổ truyền, lá khế còn được dùng điều trị mụn nhọt, lở loét, mề đay, dị ứng, cảm nắng, ho.
- Chữa cảm nắng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Lấy lá khế tươi 20g nấu nước uống. 30 - 50g lá tươi nấu nước tắm.
- Phòng bệnh sốt xuất huyết: Sắc lá khế 16g với sắn dây, lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g lấy nước uống hằng ngày trong thời gian địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết có thể chủ động đề phòng được bệnh.
Thân và rễ: Vỏ thân và vỏ rễ cây khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, trừ ho, điều trị đau khớp, đau đầu mạn tính và viêm dạ dày.