Mận là một loại trái cây có hạt. Mận thuộc cùng họ với đào và mơ. Mận có vỏ màu đỏ, tím, xanh lá cây, vàng hoặc cam và có thịt quả màu đỏ hồng, vàng hoặc cam.
Quả mận có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng sau đó được nhân giống và trồng ở Nhật Bản, một vài khu vực ở Châu Âu và Châu Mỹ. Tại Việt Nam, mận là đặc sản của khu vực Tây Bắc, nó được mệnh danh là ''viên ngọc đỏ của núi rừng Tây Bắc''.
Không chỉ là một loại trái cây được ưa chuộng trong dịp hè, mận cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe mà ít người biết đến.
Giá trị dinh dưỡng của mận
Về giá trị dinh dưỡng, mận ít chất béo và mỗi một quả mận trung bình chứa 30 calo. Mận cũng là một nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể chẳng hạn như: Carbohydrates: 8 gam; Chất xơ: 1 gam; Đường: 7 gam.
Trong mận cũng chưa một số loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như: Vitamin A: 5% DV (Giá trị dinh dưỡng hàng ngày); Vitamin C: 7% DV; Vitamin K: 4% DV; Vitamin B3: 2% DV; Vitamin B5: 2% DV; Vitamin B2: 1% DV; Vitamin B1: 2% DV; Vitamin E: 1% DV; Kali: 2% DV; Đồng: 4% DV; Mangan: 1% DV; Sắt: 1% DV; Magie: 1% DV; Phốt pho: 2% DV; Kẽm: 1% DV.
Mận rất giàu giá trị dinh dưỡng
Với hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú, mận đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe của mận
Tăng khả năng miễn dịch
Mận là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào. Vitamin A có vai trò quan trọng đối với thị lực; hệ thống miễn dịch; sức khỏe tim, phổi và thận.
Mận cũng rất giàu vitamin C, là một chất chống oxy hóa cũng giúp cơ thể sản xuất collagen. Ngoài ra, vitamin C làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể trong chế độ ăn uống và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Mận cũng chứa nhiều chất xơ có thể giúp thúc đẩy hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra, mận chứa một lượng lớn sorbitol, có đặc tính nhuận tràng, giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón. Mận cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ độc tố.
Mận có thể giúp ''quét sạch'' mỡ máu, tốt cho tim mạch
Giữ cho trái tim khỏe mạnh
Mận là một nguồn cung cấp kali dồi dào. Kali giúp cân bằng lượng natri trong máu và chất chống oxy hóa giúp giảm tác động của các gốc tự do trong cơ thể. Chúng cùng nhau giúp giảm cholesterol và phòng ngừa tình trạng tăng huyết áp (huyết áp cao), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy chế độ ăn giàu kali giúp giảm xơ cứng động mạch ở những con chuột có chế độ ăn nhiều cholesterol.
Một nghiên cứu từ năm 2017 đã xem xét tác dụng của nước ép mận đối với những người có lượng cholesterol cao. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống nước ép mận hàng ngày có lượng cholesterol LDL (có hại) thấp hơn và có lượng cholesterol HDL (có lợi) cao hơn.
Giàu chất chống oxy hóa
Mận cũng chứa một lượng chất chống oxy hóa nhất định giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do. Các gốc tự do gây ra stress oxy hóa trong cơ thể, có thể dẫn đến tổn thương tế bào. Quá trình stress oxy hóa có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Mận rất giàu polyphenol, là hợp chất thực vật có lợi với đặc tính chống oxy hóa. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng polyphenol có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường loại 2.
Cách thêm mận vào chế độ ăn uống
Có nhiều cách để thêm mận vào chế độ ăn uống. Mọi người có thể ăn trực tiếp hoặc thêm vào các món ăn khác nhau. Chẳng hạn như:
- Sử dụng mận để làm nước ép hoặc sinh tố.
- Kết hợp mận với bột yến mạch ăn vào bữa sáng.
- Thêm mận vào các món bánh.
- Làm thành mứt mận để ăn với bánh mì.
Nước ép mận
Một số lưu ý khi ăn mận
Khi ăn mận cần loại bỏ hạt mận. Hạt mận khá nhỏ nên nếu vô tình nuốt phải có thể mắc kẹt trong thực quản, gây nghẹn hoặc nghẹt đường thở.
Ngoài ra, hạt mận cũng chứa amygdalin, một chất hóa học mà cơ thể có thể chuyển hóa thành độc tố xyanua. Do đó, mọi người không nên xay nguyên quả mận có hạt hoặc ăn hạt mận để phòng tránh nguy cơ ngộ độc.