Theo Đông y, cải bẹ xanh (còn gọi là cải xanh, cải cay, cải canh) có vị cay, tính ôn. Loại rau này dùng để làm thuốc trị ho, trừ đờm, giảm đau nhức khớp, trừ độc, tiêu nhọt, lợi tiểu… Lá và thân cây được dùng để nấu canh, luộc, xào, ăn sống, ăn lẩu, muối dưa và chế biến nhiều món ăn khác nhau... Hạt của cây có vị cay, tính nhiệt, không độc có tác dụng phòng chống bệnh tật.
Cải bẹ xanh giá rẻ, dễ kiếm nhưng giàu dinh dưỡng (Ảnh minh họa)
Lợi ích sức khỏe của cải bẹ xanh
Theo bác sĩ Nguyễn Thường Hanh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cải bẹ xanh là loại rau dễ trồng, phân bố ở khắp nơi, giá bán rẻ nhưng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và các vitamin A, B, C, K, chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, trong 100g rau cải xanh có chứa chất đạm 1,7%; chất béo 0,0%; chất bột 1,5%; chất xơ 1,5%, canxi, sắt, magie, kẽm... Vì vậy, ăn cải bẹ xanh sẽ có các tác dụng sau:
Trị chứng không đông máu, ngừa loãng xương
Theo bác sĩ Hanh, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin K sẽ dễ dẫn đến chứng không đông máu hoặc gặp các vấn đề liên quan đến tim và loãng xương. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, thiếu vitamin K có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm chức năng não, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Nếu ăn một chén cải bẹ xanh (khoảng 56g) mỗi ngày chúng ta đã cung cấp 120% vitamin K mà cơ thể cần mỗi ngày.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Một số nghiên cứu cho thấy, bổ sung đầy đủ vitamin C khi bị cảm lạnh và cúm sẽ giúp chúng ta giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi và nhiễm trùng phổi. Vì vậy, chỉ cần một bát canh rau cải (tương đương 56g rau tươi hoặc 140g rau cải đã nấu chín) có thể cung cấp hơn 1/3 nhu cầu vitamin C cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, vitamin A trong cải bẹ xanh cũng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phân chia của các tế bào T (một loại tế bào bạch cầu) cần thiết để giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Theo bác sĩ Hanh, trong cải bẹ xanh có các hợp chất có tác dụng kiềm chế cholesterol, nếu ăn thường xuyên sẽ gián tiếp hỗ trợ tim, tốt cho mạch máu của cơ thể. Ngoài ra, rau cải xanh cũng chứa nhiều chất chống oxy có tác dụng giảm nguy cơ phát triển và tử vong do bệnh tim. Đặc biệt, nếu ăn cải bẹ xanh được chế biến theo cách luộc, hấp thì hiệu quả trong việc giảm lượng cholesterol lớn hơn nhiều lần so với ăn sống.
Ngăn ngừa ung thư
Cải bẹ xanh có chứa một nhóm hợp chất thực vật được gọi là glucosinolates, giúp bảo vệ các tế bào chống lại tổn thương DNA và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Vì vậy, ăn một lượng vừa phải cải bẹ xanh mỗi ngày có thể giúp chúng ta ngăn ngừa được ung thư phổi, dạ dày, ruột kết và buồng trứng.
Cải bẹ xanh có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau (Ảnh minh họa)
Giúp mắt sáng khỏe
Trong cải bẹ xanh có chứa hai hợp chất là lutein và zeaxanthin đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt. Hai hợp chất này giúp bảo vệ võng mạc của chúng ta không bị oxy hóa, lọc được ánh sáng xanh có khả năng gây hại cho mắt.
Chống lão hóa và đẹp da
Đối với những loại rau có màu xanh đậm như cải bẹ xanh, hàm lượng vitamin khá cao. Những vitamin này cung cấp nhiều axit folic cần thiết cho tế bào máu, giúp chống oxy hóa, khiến da dẻ hồng hào và tươi tắn. Vì vậy, mỗi ngày bạn nên dùng từ 200-300g rau cải bẹ xanh trong khẩu phần ăn để có được sự tươi trẻ, giảm thiểu căng thẳng, stress…
3 lưu ý khi ăn cải bẹ xanh
Dù rất tốt nhưng nếu ăn quá nhiều cải bẹ xanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận (Ảnh minh họa)
Dù ăn cải bẹ xanh rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thường Hanh cho rằng, chúng ta cần 3 lưu ý sau:
Thứ nhất, rau cải xanh có nhiều vitamin K - một loại vitamin giúp đông máu, vì thế, ăn quá nhiều có thể gây trở ngại cho các loại thuốc làm loãng máu. Bác sĩ Hanh khuyến cáo, những người đang điều trị bằng các loại thuốc làm loãng máu không nên ăn.
Thứ hai, trong cải bẹ xanh có chứa chất oxalat - chất này có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở một số người nếu tiêu thụ một lượng lớn. Vì vậy, chúng ta chỉ nên ở số lượng vừa đủ. Với những người bị bệnh thận hoặc những người dễ bị sỏi thận nên hạn chế ăn cải bẹ xanh.
Thứ ba, trong cải bẹ xanh có chứa chất ngăn ngừa bướu cổ ở người cường tuyến giáp, vì vậy những người bị suy tuyến giáp không nên sử dụng.