Phải ly hôn vì không thể sinh thêm con
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) chia sẻ trường hợp chị Hương Oanh (30 tuổi, ở Bình Dương) phát hiện mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn vào năm 2019. Bác sĩ Tiến kể, chị Hương Oanh là người phụ nữ đẹp, quý phái, dáng người cân đối. Ở thời điểm phát hiện bệnh, chị có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người chồng giàu có và cô con gái đầu lòng hơn hai tuổi. Vợ chồng chị dự định khi con gái lớn một chút nữa sẽ sinh bé thứ hai.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây tử vong thứ hai cho phụ nữ, sau bệnh ung thư vú. Ảnh minh họa.
“Khi biết mình mắc ung thư cổ tử cung, Hương Oanh suy sụp tinh thần, không tin đó là sự thật”, bác sĩ Tiến chia sẻ. Chị đi nhiều nơi làm các siêu âm, xét nghiệm để mong kết quả là sai. Khi đi khám ở đâu cũng cho kết quả như nhau, chị mới chấp nhận sự thật.
Do khối u đã di căn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật toàn bộ tử cung và xạ trị bổ túc cho Hương Oanh. “Sau các bước điều trị, chúng tôi đánh giá, tiên lượng khả năng Phương Oanh sống hơn 5 năm là rất cao. Tuy nhiên, cô ấy vĩnh viễn không thể sinh con được nữa”, bác sĩ Tiến đau lòng chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, 2 năm sau, chị Hương Oanh bị tái phát 1 khối u xâm lấn ở bàng quang và trực tràng. Lần phẫu thuật này thành công nhưng nữ bệnh nhân phải gắn một hậu môn nhân tạo ở bụng. Lúc nào cũng phải mang một vật dụng không ai muốn khiến chị không dám ra ngoài, không dám tiếp xúc với ai.
Phần khác, do vợ không thể quan hệ tình dục, không thể sinh thêm con trai để nối dõi tông đường, dưới áp lực của gia đình, chị Hương Oanh đành phải ly hôn, đưa con gái rời khỏi nhà chồng.
Hãy suy nghĩ tích cực nếu không may mắc ung thư cổ tử cung
Bác sĩ Tiến cho biết, dù liên tiếp phải đối mặt với những bi kịch trong cuộc sống, nhưng chị Hương Oanh vẫn không khuất phục. Chị vừa tích cực vận động, ăn uống đủ chất và tìm một công việc để có thể trang trải cuộc sống cho mình và con gái. May mắn, chị được một công ty hiểu hoàn cảnh nên nhận vào làm, giao những công việc phù hợp với sức khỏe.
Từng điều trị cho nhiều chị em mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ Tiến cho rằng, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.
Mới đây, chị Hương Oanh lại tìm bác sĩ Tiến để tái khám và mong muốn được tháo bỏ chiếc “toilet” trên bụng. Bác sĩ Tiến cho biết, sau khi chụp chiếu, làm các xét nghiệm, nữ bệnh nhân có kết quả bình, khối u không tái phát nên được làm phẫu thuật.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công. “Thời gian tới, Hương Oanh sẽ được làm việc thuận lợi, có thể giao tiếp bình thường”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, ung thư cổ tử cung đã và đang là mối nguy hàng đầu đe dọa sức khỏe, tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu. Đây là căn bệnh chiếm khoảng 12% của tất cả các bệnh ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo thống kê của WHO, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam hiện có hơn 4.000 ca mắc mới mỗi năm và hơn 2.000 ca tử vong.
Từng điều trị cho nhiều nữ bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ Tiến cho rằng, nếu như trước đây, ung thư cổ tử cung thường mắc ở những người hơn 50 tuổi thì hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa. Có bé gái chưa có kinh nguyệt, chưa quan hệ tình dục cũng mắc ung thư cổ tử cung và được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Theo thống kê của WHO, có khoảng 99,7% trường hợp mắc bệnh này là do virus HPV. Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn thường gặp ở những phụ nữ thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường, di truyền, ăn uống không lành mạnh hay dùng các sản phẩm có chứa nội tiết tố estrogen…
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung thường không rõ, vì vậy, phần lớn các chị em đi khám và điều trị bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Theo Bộ Y tế, nếu các tế bào ung thư ở lớp nội mạc tử cung chưa lây lan, 95% trường hợp mắc bệnh có cơ hội sống sót sau 5 năm khi được điều trị. Tỷ lệ này giảm xuống còn 25% nếu các tế bào ung thư đã di căn đến những cơ quan khác.
Những chị em không may mắc ung thư cổ tử cung có điều kiện sống hơn 5 năm nếu phát hiện và điều trị bệnh thành công. Ảnh minh họa.
Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ có các dấu hiệu sau cần đi khám ngay:
+ Xuất huyết âm đạo bất thường xảy ra sau mãn kinh hoặc có kinh nguyệt nhiều, thời gian hành kinh dài, chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt...
+ Đau vùng chậu thường xuyên.
+ Ra khí hư bất thường, lượng dịch nhiều, có màu vàng, đặc biệt là sau tuổi mãn kinh...
+ Đi tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu khó, bí tiểu, thậm chí xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
+ Giảm cân không rõ lý do theo thời gian kèm các triệu chứng phụ khoa khác.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, để phòng tránh ung thư cổ tử cung, các chị em cần tiêm phòng HPV đầy đủ, ăn uống đủ chất, có lối sống lành mạnh và thường xuyên hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Bác sĩ cũng mong rằng những ai không may mắc ung thư phụ khoa đừng tuyệt vọng. “Nếu còn hơi thở, biết đâu chúng ta không những sẽ tìm được ánh sáng cuối đường mà còn tìm được kho báu quý giá”, bác sĩ Tiến nhắn nhủ.
* Tên nữ bệnh nhân đã thay đổi.