Bác sĩ Tạ Việt Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) và Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà sẽ giúp quý độc giả giải đáp thắc mắc về căn bệnh viêm âm đạo.
Chào bác sĩ, tôi đã mang thai được 2 tháng nhưng lại phát hiện bị viêm âm đạo do nấm. Tôi rất lo lắng liệu đang mang thai có thể chữa viêm âm đạo không và bệnh có gây ảnh hưởng gì tới thai nhi hay không? Phải làm thế nào để bệnh không nguy hiểm tới con tôi?
Phụ nữ đang mang thai là nhóm đi khám viêm âm đạo rất là nhiều. Với phụ nữ mang thai viêm âm đạo rất bình thường, thậm chí là dễ bị viêm hơn, vì khi mang thai có sự thay đổi nội tiết.
Khi mang thai 3 tháng đầu tiên, có khuyên cáo không nên dùng thuốc. Còn sau 12 tuần nếu viêm âm đạo quá nặng thì nên điều trị, bởi nếu không sẽ gây những biến chứng như vỡ ối, đẻ non... Tuy nhiên, các trường hợp này đều phải được bác sĩ thăm khám và có chỉ định của bác sĩ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thưa bác sĩ, em năm nay 17 tuổi, gia đình em có 3 chị em gái trong đó có 2 người đã bị viêm âm đạo. Em phải làm thế nào để không bị mắc viêm âm đạo, liệu em có thể nhiễm bệnh từ hai người chị không?
Theo tôi viêm âm đạo không phải là bệnh di truyền mà là bệnh lây truyền. Tuy nhiên, nếu bạn giặt chung quần lót với 2 người chị thì hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu 2 người chị của bạn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Viêm âm đạo là bệnh mang tính chất cá thể, bệnh có thể do lây hoặc cơ thể tự mắc. Đây cũng là bệnh phổ biến ai cũng hoàn toàn có thể mắc, nhưng ngoài một số nguyên nhân do HIV, lậu, giang mai, thì viêm âm đạo do nhiễm tạp khuẩn hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Nên bạn không nên quá lo lắng và hãy đi khám khi có dấu hiệu mắc bệnh.
Tôi đã chữa khỏi viêm âm đạo cách đây 1 năm nhưng gần đây lại thấy khí hư màu xanh vàng. Bác sĩ cho tôi hỏi liệu bệnh viêm âm đạo có thể trị dứt điểm hay không, bệnh có khả năng bị tái phát không? Phải làm thế nào để sau khi chữa viêm âm đạo, bệnh không tái lại?
Chúng ta đã nói từ đầu chương trình rồi. Liệu rằng chúng ta chỉ quan hệ tình dục 1 lần thôi xong không quan hệ tình dục nữa. Điều đó là không có, vậy thì chẳng có gì khẳng định được viêm âm đạo chữa khỏi xong không bị lại. Hơn nữa, bạn gái này bị 1 năm rồi, thì ngoài việc quan hệ tình dục, sinh đẻ thì còn nhiều yếu tố nguy cơ khác. Cho nên 1 năm mà bị viêm âm đạo tái phát thì rất thường kỳ. Bởi đây là khoảng thời gian bạn ở trong giai đoạn phải đi khám định kỳ.
Tôi được người quen giới thiệu rằng xông “vùng kín” bằng lá trầu không hoặc rửa bằng lá trầu không sẽ giúp trị bệnh viêm âm đạo, liệu cách làm này có an toàn và hiệu quả? Có những cách nào để điều trị bệnh viêm âm đạo tại nhà hay không?
Nói đến xông âm đạo là tôi phản đối ngay. Mình cứ hình dung xông mũi là phải úp mặt vào chất nóng gì đó, thì xông âm đạo cũng vậy. Nhất là với những phụ nữ mới sinh xong, sản dịch ra rất nhiều mà lại phải ngồi trên nồi nước để xông thì quá mệt mỏi, đó là chưa kể nhỡ ngã vào đó lại còn bị bỏng.
Tôi cho rằng, nếu bị viêm nhiễm âm đạo, ra nhiều khí hư, có mùi hôi tanh thì tốt nhất đến bệnh viện để được tư vấn và khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Thưa bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi. Tôi bị viêm âm đạo khá nặng, đã tới các phòng khám điều trị nhiều lần nhưng được một thời gian lại tái phát lại. Tôi rất lo liệu bệnh viêm âm đạo bị nặng như vậy có dẫn tới ung thư phụ khoa không? Trường hợp nào thì mới dẫn tới ung thư phụ khoa?
Một người viêm âm đạo tái phát nhiều lần thường là do nấm. Tuy nhiên, khi viêm âm đạo lâu ngày, tái phát rất có thể do một bệnh lý khác nữa. Ví dụ như khi bị suy giảm miễn dịch cơ thể rất có thể là mắc bệnh lao, HIV... Nhưng khi đi khám, người bệnh cần phải nói thật với bác sĩ để bác sĩ đi tìm nguyên nhân sâu xa.
Vấn đề nữa là ung thư cổ tử cung, nguyên nhân là do virus HPV. Để ngừa bệnh này thì tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi còn trong độ tuổi tiêm chủng. Nếu quá tuổi thì nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.