Một sinh viên ở Hà Nội mắc chứng Philophobia vì bị lừa dối sau 5 năm yêu nhau

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh, chứng sợ yêu (Philophobia) được xem là nỗi sợ yêu, sợ nhận được tình yêu, sợ yêu người khác hoặc cả hai.

Tình yêu là một cảm xúc nguyên thủy của con người và được xuất hiện trong nhiều câu chuyện, bộ phim cũng như lý thuyết khoa học để lý giải hiện tượng tâm lý này. Từng giai đoạn tình yêu chúng ta sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều mặt đối lập xen lẫn hạnh phúc và đau khổ. Nhiều bạn trẻ đã trải nghiệm sự tổn thương trong một số sự kiện tình yêu dẫn đến ám ảnh và lo sợ, không dám dấn thân vào tình yêu từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội trong các mối quan hệ tình yêu lành mạnh.

Ngày 27/6/2024, tại trường Đại học FPT Hà Nội đã tổ chức sự kiện "Fearless Love" dưới sự điều phối của Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh – Chuyên gia tâm lý Viện tâm lý Giáo dục Braincare, sự kiện được tổ chức nhằm giúp cho các bạn sinh viên nhìn nhận rõ hơn các lý thuyết về chứng sợ yêu cũng như tìm ra phương pháp để vượt qua nỗi sợ yêu của bản thân.

Một sinh viên ở Hà Nội mắc chứng Philophobia vì bị lừa dối sau 5 năm yêu nhau - Ảnh 1.

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh

Bạn Đức Linh sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, chia sẻ trong sự kiện về chứng sợ yêu của bản thân:

"Em đã từng có một mối quan hệ tình cảm trong 5 năm nhưng lại kết thúc trong sự bế tắc. Trong suốt thời gian đó, em đã cố gắng giữ sự kết nối nhưng chúng em không có được tiếng nói chung, mỗi khi bất đồng quan điểm là cãi nhau, to tiếng và đập phá đồ. 

Cho đến khi bạn ấy ngoại tình và chia tay em một cách bất ngờ, em bị sốc, em không dám yêu một ai khác nữa, em cũng ngại bắt đầu lại, mệt mỏi khi phải tìm hiểu một người mới và suy nghĩ rằng liệu mối quan hệ mới có bị kết thúc như mối quan hệ cũ hay không? Em mong đợi mình sẽ có thêm nhiều kiến thức và có thêm niềm tin vào tình yêu trong những mối quan hệ trong tương lai."

Hội chứng sợ yêu là gì?

Tên gọi Philophobia có nguồn từ tiếng Hy Lạp, Philo có nghĩa là tình yêu, phobia có nghĩa là sợ hãi. Đây là một dạng rối loạn gắn bó trong các mối quan hệ mà người mắc phải có thể dẫn đến sự cô lập với xã hội, lạm dụng chất kích thích hoặc mắc rối loạn trầm cảm.

Trong cuộc sống, hầu như ai cũng sẽ sợ hãi hoặc né tránh một vài vấn đề chẳng hạn như sợ hãi động vật, xe cộ, giao thông, thang máy hay một khoảng trống nào đó và nỗi sợ hãi mà chúng ta đang nói tới là nỗi sợ gắn liền với cảm xúc tình yêu. 

Hội chứng sợ yêu sẽ tập trung vào nỗi sợ hãi về tình yêu – mối quan hệ cặp đôi mang lại cảm xúc đặc biệt mà không có bất kỳ mối quan hệ nào có thể thay thế được. Phản ứng phổ biến nhất của chúng ta là né tránh, hoảng sợ khi lại gần đối tượng được nhận định là sẽ tán tỉnh yêu đương. Khoảng 5-10% dân số mắc một loại ám ảnh nào đó và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cá nhân.

Một sinh viên ở Hà Nội mắc chứng Philophobia vì bị lừa dối sau 5 năm yêu nhau - Ảnh 2.

Biểu hiện của hội chứng sợ yêu

Các biểu hiện của Philophobia là khác nhau ở mỗi người, hiện tượng tâm lý này chưa được chẩn đoán theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) nhưng chúng ta cũng có thể tự đánh giá liệu mình có đang mắc hội chứng này hay không. Nếu có từ 4 trên 6 biểu hiện dưới đây trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm hãy tìm đến sự hỗ trợ tâm lý cần thiết:

- Bạn chủ động tránh né các tình huống do nỗi sợ hãi liên quan đến tình yêu

- Ý nghĩ về tình yêu hoặc các mối quan hệ lãng mạn gây ra sự sợ hãi

- Bạn có các triệu chứng lo lắng về thể chất khi nghĩ về tình yêu hoặc các mối quan hệ, chẳng hạn như khó thở hoặc nhịp tim nhanh

- Bạn nhận ra rằng nỗi sợ hãi của bạn có thể là phi lý

- Nỗi sợ hãi về các mối quan hệ hoặc tình yêu của bạn làm suy yếu công việc và các mối quan hệ xã hội

- Sự sợ hãi và tránh né của bạn là lâu dài và nhất quán

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ yêu

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Philophobia thường bắt nguồn từ những trải nghiệm tổn thương cảm xúc trong quá khứ và sự lo nghĩ quá mức về những sự kiện chưa diễn ra ở tương lai. Có thể kể đến một số lý do như sau:

Thứ nhất, bạn đã từng có hoặc chứng kiến cảnh chia ly trong mối quan hệ chẳng hạn như sự chia tay của bố mẹ hoặc đổ vỡ trong mối quan hệ tình cảm của mình dẫn đến một dấu vết của sự tổn thương mang lại cảm giác đau trong tâm trí. Ở thời điểm hiện tại, bạn bị sợ hãi có cảm giác đau đớn ấy quay lại. Vậy nên né tránh ở đây chính là giảm sự đau khổ, không muốn mình phải trải qua cảm giác này thì mình không yêu nữa.

Một sinh viên ở Hà Nội mắc chứng Philophobia vì bị lừa dối sau 5 năm yêu nhau - Ảnh 3.

Thứ hai, cảm giác phải có trách nhiệm khiến bạn muốn dừng mối quan hệ. Một số bạn trẻ liên tục có nhiều mối quan hệ tình yêu trong thời gian ngắn bởi họ không muốn mình phải gắn bó trong một mối quan hệ nào, họ sợ phải quan tâm chăm sóc đối phương, sợ vai trò làm vợ chồng, phải phải cha làm mẹ. Đây cũng là biểu hiện của chứng sợ yêu, sợ phải cam kết có trách nhiệm với một ai đó trong thời gian dài.

Thứ ba, những niềm tin tiêu cực về bản thân mình khiến bạn không dám tiến tới mối quan hệ với ai. Chúng ta có thể suy nghĩ mình không đủ giỏi giang tài năng, xinh đẹp để thu hút người khác hoặc chúng ta nghĩ rằng mình cần phải có đủ tài chính, công việc ổn định… mới có thể bắt đầu yêu một ai đó. Các suy nghĩ này khiến bạn cảm thấy mình không đủ tốt vẫn luôn cảm thấy thiếu gì đó để xứng đáng được hạnh phúc. Hãy cẩn trọng với những suy nghĩ này vì nó sẽ khiến bạn bỏ lỡ nhiều mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống.

Đâu là cách vượt qua?

Để vượt qua hội chứng Philophobia, các nhà tâm lý thường sử dụng lộ trình điều trị rối loạn lo âu với liệu pháp phổ biến CBT (Cognitive Behavioral Therapy). 

Mục tiêu là giúp cho mỗi người hiểu được sự vận hành của những phản ứng lo âu, tìm ra được nguyên nhân, sự kiện dẫn đến sự sợ hãi và tái cấu trúc nhận thức để có được các dòng suy nghĩ lành mạnh hơn từ đó xây dựng chiến lược ứng phó với căng thẳng phù hợp với bản thân để cá nhân có đủ sức mạnh nội tâm sẵn sàng mở cửa trái tim và đón nhận những cảm xúc tích cực trong tương lai.

Khi bạn cảm nhận mình có hội chứng Philophobia, bạn cần nâng cao khả năng tự chăm sóc tâm trí của mình thông qua các bước sau:

Bước 1: Đánh giá lịch sử mối quan hệ của bạn để xem liệu tổn thương trong quá khứ có khiến bạn sợ lặp lại trải nghiệm đó trong một mối quan hệ mới hay không

Bước 2: Xác định những giọng nói tiêu cực khiến bạn cảm thấy hoảng sợ trong các mối quan hệ

Bước 3: Cho phép bản thân chấp nhận những cảm xúc khó khăn, đây là cách bạn vượt qua chúng

Bước 4: Tập trung giải quyết vấn đề: Thách thức lại nỗi sợ của bản thân và sẵn sàng cho sự mới lạ trong cảm xúc từ đó nhận biết những rào cản ngăn cản bạn cởi mở với tình yêu đến từ đâu.

Một sinh viên ở Hà Nội mắc chứng Philophobia vì bị lừa dối sau 5 năm yêu nhau - Ảnh 4.

Để chiến thắng hội chứng Philophobia và có được một mối quan hệ tình cảm lành mạnh ưng ý thì chúng ta sẽ cần sự hỗ trợ tâm lý phù hợp. Hãy nâng cao chất lượng dòng suy nghĩ của bản thân tích cực hơn và tập trung vào những khuyến nghị sau:

Bạn nên có nhiều trải nghiệm và đa dạng cảm xúc trong cuộc sống

Bạn luôn hiểu rằng mình cần thêm thời gian để vượt quá sợ hãi.

Khi chúng ta yêu thương một ai đó là lúc chúng ta đang dành thời gian để nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương cho nhau.

https://ahadep.com/mot-sinh-vien-o-ha-noi-mac-chung-philophobia-vi-bi-lua-doi-sau-5-nam-yeu-nhau-20240703112534214.chn