Đột quỵ luôn xảy ra đột ngột không bao giờ báo trước, có thể chỉ vài phút trước bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường nhưng 1-2 giây sau đã mắc bệnh. Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao, thời gian tử vong nhanh, nếu may mắn sống sót vẫn có khả năng chịu di chứng vĩnh viễn. Tại Việt Nam có 200.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm.
Đột quỵ thực sự nguy hiểm tới tính mạng vì chúng xảy ra đột xuất, không thể trở tay kịp
Khi vào mùa đông thì số người đột quỵ lại càng tăng cao do khí hậu lạnh, gây ảnh hưởng đến huyết áp hoặc tác động tới bệnh nền khiến đột quỵ phát tác. Bên cạnh việc kiểm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ, Hiệp hội Đột quỵ Mỹ đã nhắc nhở mọi người nên nhẩm trong đầu cụm từ "BE FAST" để phát hiện dấu hiệu đột quỵ sớm.
Công thức 6 chữ "BE FAST" phát hiện sớm đột quỵ
BE FAST trong tiếng Anh có nghĩa là hãy nhanh lên, đồng nghĩa với việc phát hiện sớm chính là cách điều trị đột quỵ hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, mỗi chữ cái trong cụm từ này còn mang ý nghĩa riêng, cụ thể như sau:
- B: Balance (Sự cân bằng)
Một người chuẩn bị đột quỵ thường bắt đầu bị chóng mặt, mất thăng bằng hoặc nặng đầu không rõ lý do. Họ có xu hướng sẽ bám tay vào đồ vật để di chuyển, hoặc ngồi xuống vì quá mệt mỏi. Nếu loại trừ hết những khả năng gây ra chóng mặt thì nên cẩn thận bệnh đột quỵ.
- E: Eye (Mắt)
Bệnh nhân đột quỵ hay bị mờ mắt và giảm thị lực đột ngột, mặc cho trước đó không có tật khúc xạ. Nhiều người thường nhầm tưởng với triệu chứng say nắng hoặc mệt mỏi, nhưng thực tế, đây là dấu hiệu sớm của đột quỵ mà bạn cần phải lưu tâm.
Bất kể những thay đổi nhỏ nào trên cơ thể đều phản ánh sớm bệnh tật, cần để ý kỹ.
- F: Face (Khuôn mặt)
Người đột quỵ sẽ bị méo một nửa bên mặt, nhìn vào trông giống như bị sụp xuống hoặc chảy xệ. Nó xuất hiện đột ngột sau một đêm ngủ dậy và không có dấu hiệu báo trước. Cần đi khám sớm nếu thấy mất cân xứng giữa hai bên mặt, một nửa liệt bất động và mất nếp nhăn trán.
- A: Arm (Cánh tay)
Yếu cơ tay, không thể cầm nổi thứ gì trong thời gian tạm thời là dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ. Nó cũng cảnh báo cơ thể đang bị thiếu máu cục bộ nhất thời, nếu không can thiệp sớm sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ về sau. Đây là cảnh báo sớm nhất để mọi người ngăn ngừa bệnh xảy ra.
Yếu cơ tay, cầm nắm không nổi vật gì thường do mệt mỏi hoặc nguy hiểm hơn là đột quỵ
- S: Speech (Lời nói)
Bệnh nhân đột quỵ luôn có vấn đề về giọng nói. Họ không thể nói rõ những gì mình muốn, đột nhiên lú lẫn và không thể hiểu các câu đơn giản. Nhiều người còn bị nói lắp hoặc nặng hơn là không nói được nữa. Tuyệt đối đừng nhầm lẫn với mệt mỏi.
- T: Time (Thời gian)
Thời gian là vàng bạc trong bất kỳ mọi chuyện, chỉ cần phát hiện bệnh sớm thì khó mấy cũng có khả năng chữa khỏi. Nếu cảm thấy bản thân mắc một trong những dấu hiệu trên, bạn cần khẩn trương đi khám hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán. Đừng quên kiểm tra cho người thân và bạn bè xung quanh.
Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào mùa đông?
Vào cuối năm, thời tiết thay đổi lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp và gây đột quỵ. Bên cạnh đó, nhiều người thường ít vận động vào trời lạnh, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ vào mùa đông, bạn cần phải giữ ấm cơ thể cả ngày và không được ra lạnh đột ngột. Buổi sáng khi vừa thức giấc, tuyệt đối không vùng ra khỏi chăn ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút cho cơ thể thích nghi với không khí lạnh bên ngoài.
Mỗi đêm trước khi ngủ, bạn nên uống 1 ly nước ấm và dùng thực phẩm ấm để tăng cường năng lượng, đồng thời giữ nhiệt cho cơ thể. Bạn cũng nên mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì 1 lớp dày để giữ nhiệt tốt hơn, ra ngoài nên đội mũ len và khăn quàng để bảo vệ đầu và cổ - 2 bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi.
Theo Indiatimes, Healthline