Quá trình tạo ra nước tiểu bao gồm các giai đoạn lọc ở cầu thận, tái hấp thu các chất từ ống thận vào máu và quá trình bài tiết một số chất thải từ máu vào ống thận. Đi tiểu là việc chúng ta làm hàng ngày nhưng lại rất ít ai quan tâm tới việc kiểm tra nước tiểu thường xuyên.
Trong khi đó, những thay đổi về nước tiểu lại phản ánh rất nhiều về tình trạng sức khỏe. Việc quan sát, phân tích nước tiểu cũng góp phần quan trọng giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán lâm sàng, đặc biệt là bệnh tật liên quan tới hệ tiết niệu hay quá trình bài tiết.
Người khỏe mạnh thì nước tiểu sẽ có 4 đặc điểm nổi bật, dễ thấy nhất sau đây. Hy vọng bạn có đủ cả, còn nếu phát hiện ra bất thường hãy nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám nhé!
1. Màu nước tiểu nhạt
Màu sắc của nước tiểu thông thường có màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm. Sở dĩ chúng có màu sắc là do sắc tố urochrome và tùy theo độ đậm đặc hay pha loãng mà nước tiểu sẽ có màu sắc khác nhau. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, màu sắc nước tiểu có thể thay đổi thành nhiều màu khác nhau. Việc màu sắc nước tiểu bất thường có thể là tiếng chuông cảnh báo cho tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Nước tiểu đậm màu, có màu thường do bệnh về thận (Ảnh minh họa)
Nước tiểu không màu là do bạn đã uống nhiều nước hoặc thuốc lợi tiểu, nhưng cũng có thể là bệnh lý đái tháo nhạt. Nước tiểu có màu nâu hoặc mật ong rất đậm có thể là dấu hiệu của mất nước và các vấn đề về gan. Nước tiểu màu cam thường do dùng thuốc kháng sinh, điều trị ung thư.
Đặc biệt, nếu đi tiểu ra màu đỏ, hồng, đen hay nâu đậm thì bạn nên cảnh giác cao độ vì đó là dấu hiệu bệnh tật. Phổ biến như do chấn thương cơ, tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận nghiêm trọng, phì đại tiền liệt tuyến, thiếu máu tán huyết, rối loạn di truyền hồng cầu porphyria…
2. Lượng nước tiểu bình thường
Lượng nước tiểu của mỗi người là khác nhau, nhưng nói chung, lượng nước tiểu hàng ngày nằm trong khoảng 1000-2000 ml là bình thường. Nếu bạn sản xuất quá nhiều hoặc quá ít nước tiểu, điều đó có thể cho thấy thận hoặc các cơ quan khác của cơ thể bạn có vấn đề.
Lượng nước tiểu quá nhiều có thể là dấu hiệu của các bệnh như tiểu đường, nhiễm khuẩn hoặc có dị vật, sỏi ở đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ, hội chứng bàng quang kích thích, ung thư bàng quang, suy tuyến thượng thận, hội chứng thận hư, hoặc bị hẹp niệu đạo…
Còn lượng nước tiểu quá ít có thể là do nhiễm khuẩn hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu, lao bàng quang mãn tính, viêm bàng quang, viêm đài bể thận, suy thận, ung thư thận, ung thư bàng quang… Tiểu ít, còn được gọi là thiểu niệu, là tình trạng thể tích nước tiểu dưới 500ml/ 24h hoặc dưới 0.5ml/ kg/ h đối với người lớn (dưới 1ml/ kg/ h đối với trẻ sơ sinh). Lúc này, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám trước khi quá muộn.
3. Nước tiểu trong và ít bọt
Bên cạnh màu vàng nhạt thì nước tiểu của người khỏe mạnh sẽ thường trong. Trong ở đây không chỉ màu sắc mà là tính chất của dung dịch. Chất lỏng này sẽ không có vẩn đục, cặn, máu, cục máu đông, dị vật lạ… Cũng sẽ lỏng như nước chứ không dính hoặc đặc, nhớt. Còn nếu gặp các bất thường vừa kể trên, hãy nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt!
Nếu thấy nước tiểu có bọt, tốt nhất hãy sớm đi thăm khám (Ảnh minh họa
Nước tiểu khi khỏe mạnh cũng có thể hoàn toàn không có bọt hoặc chỉ có 1 chút bọt. Đặc biệt là ngay cả khi bề mặt nước tiểu xuất hiện một lớp bọt mịn và thì nó cũng sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Nhưng nếu bọt nước tiểu nhiều hoặc/và không biến mất trong thời gian dài thì có thể hàm lượng protein trong nước tiểu quá cao, có thể là dấu hiệu của bệnh thận là phổ biến nhất. Một số trường hợp cũng có thể do tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chức năng tình dục (xuất tinh ngược)...
4. Mùi nước tiểu bình thường
Ở trạng thái bình thường, nước tiểu có màu trong và mùi khai hơi nhẹ. Đối với người khỏe mạnh, thỉnh thoảng nước tiểu cũng có nặng mùi hơn bình thường. Tuy nhiên, nó sẽ chủ yếu do thực phẩm và nhanh chóng biến mất sau khi điều chỉnh lượng nước hay ăn uống. Còn sự bất thường về mùi và màu nước tiểu kéo dài trên 48 giờ có thể là một dấu hiệu liên quan đến sức khỏe hoặc triệu chứng của một số bệnh lý, bao gồm cả bệnh hiểm nghèo.
Nếu nước tiểu có mùi bất thường kéo dài trên 2 ngày kèm theo các triệu chứng như: nước tiểu có mùi ngọt, tri giác lú lẫn, phù, buồn nôn, nôn ói… nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Khi các dấu hiệu trên xuất hiện có thể là biểu hiện của bệnh đái tháo đường, mất nước nặng, hoặc bệnh lý về gan.
Lâm sàng chỉ ra người mắc bệnh về gan rất dễ có mùi nước tiểu hôi tanh. Phổ biến nhất là men gan cao, gan nhiễm mỡ, viêm gan virus, xơ gan. Thường đi kèm với chán ăn, vàng da hoặc/và mắt, màu nước tiểu đậm hơn. Đó là do rối loạn chuyển hóa bilirubin và tích tụ methionine.
Mùi nước tiểu bất thường rất có thể là dấu hiệu của bệnh tiết niệu nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, các bệnh về thận gây ra triệu chứng nước tiểu biến đổi toàn diện từ lượng, màu, mùi, trạng thái. Bệnh sỏi thận khiến nước tiểu khai nồng nặc hoặc hôi kèm mùi kim loại gỉ sét. Viêm thận, suy thận làm nước tiểu hôi và hơi tanh. Bệnh nhân ung thư thận có mùi hôi khó chịu, thậm chí gây buồn nôn hoặc mùi như trứng thối trong nước tiểu. Thường kết hợp với tiểu lẫn máu, nước tiểu đen hoặc nâu và nhớt hơn bình thường.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng khiến nước tiểu có mùi ngòn ngọt khác lạ. Rò bàng quang, viêm cơ quan sinh dục hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể khiến nước tiểu trở nên rất khai. Một bệnh di truyền không chữa được, có thể gây tổn thương não, tử vong là Siro niệu cũng tạo ra mùi bất thường ở nước tiểu. Thường là mùi rất ngọt hoặc mùi thơm lạ và hay xuất hiện ngay từ khi sơ sinh.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, webMD