SCMP đưa tin, một người đàn ông đã đến quán cà phê Internet ở Ôn Châu (Trung Quốc) vào ngày 1/6 để chơi game trong thời gian dài. Đến 22h ngày 3/6, một nhân viên quán gọi điện báo cảnh sát khi thấy người nằm nằm gục trên bàn máy tính, không có phản ứng khi vỗ nhẹ vào cánh tay.
Nhân viên này cho biết thêm khi đó cơ thể người đàn ông đã lạnh, khiến anh ta phải vội vã gọi cảnh sát.
Người đàn ông, danh tính không được tiết lộ, trước đó đã rời quán cà phê điện tử vào lúc 6h sáng 2/6 để đi ăn.
"Dựa trên những gì còn sót lại từ bữa sáng trên bàn, có thể thấy anh ấy đã không ăn trưa hôm 2/6. Anh ấy có thể đã đột tử trong sáng cùng ngày", một cảnh sát cho biết.
Người đàn ông gục chết trên bàn phím suốt 30 giờ không ai phát hiện - Ảnh minh họa
Anh rể của nạn nhân, họ Chen, cho biết thời gian tử vong chính xác không được xác nhận vì gia đình anh không cho phép các nhà chuyên môn tiến hành khám nghiệm tử thi.
Chen cũng thắc mắc tại sao cái chết của em vợ mình không được phát hiện sớm hơn.
"Cậu ấy ngồi ở khu vực mở chứ không phải phòng kín hay nơi có vách ngăn. Đáng lẽ phải có nhân viên kiểm tra và phát hiện sự bất thường của em ấy", Chen nói.
Ông chủ quán cà phê điện tử cho biết thanh niên 29 tuổi là khách hàng quen, đến quán hầu như mỗi ngày và mỗi lần ngồi 6 tiếng. Ông chủ nói thêm rằng người đàn ông lúc đến trông khỏe mạnh.
Hai nhân viên trực lúc đó đã không để ý rằng vị khách đã "ngủ" quá lâu. "Các nhân viên tưởng rằng cậu ấy đang nghỉ ngơi nên không dám đánh thức. Thường thì nếu chúng tôi đánh thức một khách hàng đang ngủ, họ thường phát cáu và chửi mắng chúng tôi", ông chủ giải thích.
Ngồi lâu trên 8 tiếng làm tăng khả năng đột quỵ
Chơi game là hình thức giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn chơi game liên tục trong thời gian dài hoặc dân văn phòng ngồi dùng máy tính quá lâu cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí, là tử vong do đột quỵ.
Theo Today, với số lượng người mắc các bệnh về đột quỵ ngày càng tăng cao mỗi năm, các chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc đã phối hợp nghiên cứu cho ra kết luận hầu hết có điểm chung ngồi làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày.
Các chuyên gia Trung Quốc và Mỹ phối hợp thực hiện trong vòng 11 năm, kết quả được công bố trên Tạp chí Hội Y khoa Mỹ. Với hơn 100.000 tình nguyện viên có đặc thù công việc phải ngồi trên 8 tiếng mỗi ngày, qua theo dõi tình trạng sức khoẻ trong 10 năm để ghi lại những phân tích và thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy người ngồi hơn tám tiếng một ngày có nguy cơ tử vong do bệnh tim nói chung cao hơn 20%. Những người ngồi nhiều giờ nhất và ít tập thể dục có tỷ lệ tử vong sớm hơn vì đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 50%.
Nguyên nhân chủ yếu là do họ ngồi một chỗ thụ động suốt ngày, khiến cơ thể ít vận động, làm cho khả năng dung nạp đường của cơ thể kém đi, khả năng tiêu hóa mỡ và cholesterol kém đi, chất béo lắng đọng vào thành mạch máu làm mạch máu bé lại, từ đó đưa đến nguy cơ tiểu đường và xơ vữa động mạch, dẫn đến yếu tố đột quỵ.
Người dùng máy tính ngồi lâu quá 8 tiếng mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ
Mặt khác, ngồi lâu một chỗ khiến máu dồn liên tục xuống 2 chân. Khi đứng dậy, thông thường cơ thể sẽ tự điều chỉnh đưa máu về tim, nhưng một số trường hợp không kịp điều chỉnh sẽ dẫn đến hạ huyết áp tư thế, xảy ra đột quỵ.
Nhóm các chuyên gia cũng cho biết: "Thông điệp chúng tôi muốn nói ở đây là chúng ta hãy giảm thời gian ngồi một chỗ nếu bạn buộc phải ngồi nhiều do tính chất công việc, bằng cách sau giờ làm việc bạn nên đi tập thể dục nhiều hơn để giảm thiểu rủi ro đột quỵ và tim mạch....".
Dấu hiệu đột quỵ:
-Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Theo SCMP