hôm nay Tổng ca nhiễm Ca tử vong
Liên quan đến vấn đề này, ThS Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế khẳng định: Đảm bảo oxy để điều trị bệnh nhân nặng.
Nguồn cung cấp khí oxy cho điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện không thiếu. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã làm việc với các nhà cung ứng và yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch. Một số đơn vị sản xuất đặc thù cho biết sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất oxy, khí nén khi cần.
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 nặng.
"Riêng tại TP.HCM hiện có 10 đơn vị đang cung ứng oxy cho Thành phố. Để thiết lập thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Vụ đã trao đổi với các nhà cung cấp để cùng Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ khảo sát và lên phương án triển khai cung ứng", Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn thông tin.
Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám- Chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: "Bộ Y tế và TP.HCM cam kết không thiếu máy thở, khí oxy cho người bệnh. Do đó, người dân hoàn toàn có thể an tâm".
Về vấn đề nguồn cung khí oxy, Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy tại nước ta. Kết quả cho thấy, khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó, nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TP.HCM nói riêng đều không thiếu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, người dân không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà vì chẳng những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn mối nguy cháy nổ rất lớn.
Tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thông tin về năng lực sử dụng oxy hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca nhiễm cần đến thở oxy.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50-100% công suất.
Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất trên toàn quốc, yêu cầu tăng tổng công suất hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày lên gấp đôi, dự trữ oxy và khả năng phân phối.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế phải trao đổi lại lần nữa và yêu cầu các nhà cung ứng phải cung cấp đủ oxy cho tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện của thành phố.
"Không được phép để thiếu oxy cho công tác điều trị ở Thành phố"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, trong đợt dịch lần thứ 4 này, khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% thở máy xâm nhập.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh khuyến cáo tất cả khu vực điều trị đều cần chuẩn bị oxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, để đề phòng đổi trạng thái sang nặng. Bệnh nhân có bệnh nền phải được theo dõi chặt vì dễ chuyển sang giai đoạn nặng. Bệnh nhân có biểu hiện nặng phải cho dùng thuốc và các máy móc hỗ trợ thở nồng độ oxy cao... ngay để không chuyển nặng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tích trữ máy thở, oxy, vì lãng phí do không thể tự sử dụng và có thể gây khan hiếm nguồn cung trên thị trường.