Gần đây, một người đàn ông họ Trần ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc được đưa vào phòng chăm sóc sức khỏe đặc biệt do có vấn đề về tư thế ngủ sau khi say rượu. Người này đối diện với chứng tiêu cơ vân, hội chứng chèn ép khoang, tăng kali máu… Sau khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện số 3 Đại học Y Nam, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể nhưng sẽ mất một thời gian để phục hồi.
Ngủ sai tư thế khi say rượu dẫn tới suy giảm chức năng nội tạng
Theo người nhà của bệnh nhân, ông Trần tối hôm trước đã đi nhậu cả đêm với đồng nghiệp. Đến 7 giờ sáng hôm sau, người nhà phát hiện ông Trần tự nhốt mình trong toilet. Mặc dù có tiếng trả lời khi gõ cửa nhưng ông Trần vẫn không mở cửa.
Phía người nhà cho rằng, do ông Trần đã uống quá nhiều và đang ngủ say nên cứ để mặc kệ một lúc. Sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, cuối cùng ông Trần cũng mở cửa nhưng trong tư thế ngồi bệt dưới đất, chân phải ép vào chân trái, lưng tựa vào cửa.
Ảnh minh họa.
Ông Trần liên tục kêu đau, tay chân yếu, lạnh, tê cứng, vùng cẳng chân trái có phần tím tái, muốn đi tiểu nhưng không tiểu được.
Thấy tình trạng ông Trần ngày càng nặng, người nhà đã gọi điện cấp cứu và được đưa tới Bệnh viện số 3 Đại học Y Nam điều trị.
Sau khi nhập viện, kết quả một số xét nghiệm cho thấy thận, tim, và một số cơ quan nội tạng khác có dấu hiệu bất thường đáng kể. Ông Trần được chẩn đoán bị tiêu cơ vân, hội chứng chèn ép khoang, tăng kali máu, hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan, rồi loạn toan chuyển hóa. Sau khi được lọc máu và phẫu thuật chi dưới bên trái, ông Trần được đưa đến ICU để điều trị thêm.
Tình trạng của ông Trần xấu đi vào ngày thứ 2 sau khi nhập viện. Sau khi đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân, trưởng khoa ICU Dương Hồng đã quyết định sử dụng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. Điều này sẽ giúp cho tim và phổi của bệnh nhân được nghỉ ngơi hoàn toàn và có thời gian để điều trị cho lần tiếp theo.
Sau 80 giờ điều trị ECMO, tình trạng bệnh nhân cải thiện đáng kể, sức khỏe dần ổn định.
Bác sĩ Dương Hồng cho biết: “Nhiều cơ quan nội tạng của bệnh nhân bị tổn thương nhưng do cấp cứu kịp thời nên việc cứu chữa vẫn khả quan, mong rằng không để lại quá nhiều di chứng. Việc phục hồi chức năng thận sẽ cần nhiều thời gian hơn”.
Ngoài ra, bác sĩ Dương Hồng nhắc nhở rằng, khi say rượu nhiều người cứ nghĩ rằng, chỉ cần ngủ là cơ thể sẽ bình thường trở lại. Trên thực tế, đối với người say rượu, điều quan trọng là ngủ đúng tư thế để đề phòng những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Đối với trường hợp của ông Trần, nếu đêm hôm đó ông ngủ trên giường, giữ ấm cơ thể, không ngồi đè lên chân thì sau 1 đêm cơ thể sẽ bình thường trở lại, thậm chí không xảy ra tình huống nguy hiểm tới tính mạng như vừa rồi.
3 tư thế ngủ người say rượu cần chú ý
- Tư thế nằm ngửa
Đây là tư thế phổ biến ở những người say. Người say thường dễ nôn mửa, phản xạ nôn và động tác nuốt của họ tương đối chậm. Lúc này, nếu họ nằm ngửa thì chất nôn có khả năng trào ngược vào khí quản, dễ gây ngạt thở.
Các trường hợp nhẹ có thể gây ra viêm phổi do hít phải chất nôn, trường hợp nặng có thể dẫn tới tắc nghẽn khí quản và ngạt thở.
- Tư thế nằm sấp
Hầu hết người say rượu đều mê man không biết gì, cơ thể yếu ớt, không có lực chống đỡ khi thay đổi tư thế. Nếu trong tư thế nằm sấp, miệng và mũi hướng xuống dưới, bị vùi vào giường hoặc gối, dễ gây ngạt thở.
Quá trình hô hấp của người say rượu bị ức chế ở các mức độ khác nhau. Khi hoạt động thở yếu đi nhiều, đồng thời trọng lượng cơ thể đè lên ngực và bụng khiến quá trình hô hấp càng bị hạn chế. Tất cả những điều này có thể dẫn tới việc thiếu oxy, làm trầm trọng hơn tình trạng hôn mê khi say.
- Tư thế ngồi
Ở người say rượu say, do tuần hoàn trong cơ thể bị ức chế nên khả năng điều hòa phản xạ tim mạch bị suy yếu. Việc nôn mửa, vã mồ hôi có thể khiến cơ thể mất nhiều nước, việc vận chuyển máu bị cản trở, dễ gây tụt huyết áp và sốc.
Khi huyết áp xuống thấp, tư thế ngồi không có lợi cho quá trình cung cấp máu lên não và đưa máu về phần dưới cơ thể. Do đó, lượng máu vận cung cấp cho nhiều cơ quan quan trọng bị giảm.
Tư thế đúng cho người say khi ngủ là gì?
Trước hết, bạn cởi cà vạt, nút quần áo, thắt lưng quần… của người say rượu, nâng quai hàm, ngửa đầu ra sau, giữ cho đường thở không bị cản trở. Sau đó, người say cần nằm trên giường, nằm nghiêng sang một bên, giữ ấm cơ thể.
Khi người say đang ở trong tình trạng nguy hiểm, người nhà hoặc bạn bè nên nhanh chóng đưa người say đến bệnh viện gần nhất để điều trị.