Phải kết hợp cả hai yếu tố vắc-xin + 5K thì công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đạt hiệu quả
Người đã tiêm vắc-xin COVID-19 có nguy cơ nhiễm, lây bệnh?
Trước câu hỏi liệu sau tiêm vắc-xin COVID-19 có bị lây nhiễm bệnh hay không?, PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với việc chủng ngừa giống như nhau. Với hầu hết các vắc-xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, vắc-xin COVID-19 cũng tương tự. Do vậy vẫn có sự lây nhiễm bệnh đối với người đã tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19.
Có nhiều nguyên nhân, do tiêm vắc-xin không đúng lịch, tiêm không đủ mũi; do hệ thống miễn dịch không đáp ứng tốt trong việc tạo kháng thể; do người bệnh đã phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh khi vừa mới tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch chưa kịp tạo ra kháng thể; hoặc do các tác nhân khác.
Theo công bố của đơn vị sản xuất, vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca (loại vắc-xin đang được tiêm chủng tại Việt Nam) có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62%-90% dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.
Người đã tiêm vắc-xin có phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...?
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. BS. Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COVID-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng ba tháng sau tiêm liều 1. Ở liều thứ 2, thời điểm tiêm tối ưu nhất là cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
Vì thế, PGS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, sau khi tiêm vắc-xin, kể cả mũi 1 hay đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế bao gồm: đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế…
"Phải kết hợp cả hai yếu tố vắc-xin + 5K thì công tác phòng, chống dịch mới đạt hiệu quả”, ông Phu nhấn mạnh.