Martin Taylor (43 tuổi) đang sống tại vùng Aberdeenshire (Scotland). Anh vốn là một người rất khỏe mạnh và chẳng bao giờ đụng đến thuốc lá nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây, Martin liên tục cảm thấy kiệt sức, khó thở.
Chia sẻ với Tạp chí y tế BMJ Case, Martin cho biết: "Tôi bắt đầu cảm thấy chóng mặt mỗi khi gắng sức làm một việc gì đó. Thỉnh thoảng, tôi tưởng rằng mình sắp bất tỉnh mỗi khi đứng lên hay đi lại chỉ trong vài phút. Ngay cả việc bước lên cầu thang cũng khiến tôi mất đến 30 phút vì cứ đi được hai bậc lại phải ngồi xuống nghỉ. Vì chuyện này khiến tôi phải xin nghỉ 2 tuần để nằm nhà".
Do không thể chịu nổi tình trạng này nữa, Martin quyết định tới bệnh viện kiểm tra. Qua kết quả chụp X-quang, trên phổi của Martin có nhiều đốm và bác sĩ cảnh báo rằng, anh đang thở một cách rất khó khăn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn chưa thể tìm ra được vấn đề mà Martin đang gặp phải là gì.
"Sức khỏe của tôi suy giảm rất nhanh, tôi đã tái khám tới 4 lần nhưng đều không nhận được kết quả chẩn đoán chính xác", Martin chia sẻ. Sau nhiều tháng làm xét nghiệm, cuối cùng khi phân tích công thức máu, bác sĩ Owen John Dempsey (Chuyên khoa Lồng ngực tại Bệnh viện BMI Albyn ở Aberdeen) đã tìm ra được nguyên nhân khiến Martin gặp phải tình trạng trên. Kết quả cho thấy, anh đang bị viêm phổi quá mẫn (hậu quả của hen suyễn dị ứng).
Đây là một phản ứng miễn dịch hoặc do dị ứng khi liên tục hít phải những hạt gây kích thích. Phản ứng này sẽ làm sưng hẹp đường thở, gây ho và khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở.
Tới đây, Martin mới nhớ rằng, anh có nuôi một con mèo và một con chó ở nhà. Ngoài ra, trong phòng tắm ở nhà Martin cũng có một lượng nấm mốc nhỏ. Dù vậy, các bác sĩ vẫn chưa khẳng định đây là nguyên nhân chính. Bởi xét nghiệm cho thấy, cơ thể Martin đang sản xuất protein để phản ứng với bụi từ lông chim.
Và lông vũ chưa được làm sạch mới chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi quá mẫn của Martin. Điều này đã làm Martin nhớ ra rằng, một khoảng thời gian trước, anh đã thay đệm và gối từ sợi tổng hợp sang đồ bằng lông vũ.
Sau đó, Martin đã được điều trị Bệnh viện Victoria ở thị trấn Kirkcaldy và Bệnh viện Hoàng gia Aberdeen. Khi anh được điều trị bằng thuốc steroid và không nằm ngủ trên giường lông vũ nữa, tình trạng khó thở đã biến mất. Dần dần, tình trạng sức khỏe của Martin được cải thiện nhanh chóng chỉ sau vài tuần. Anh cũng cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn vào 6 tháng sau đó.
Hen suyễn dị ứng gia cầm không phải là bệnh hiếm gặp. Các biểu hiện ban đầu thường là ho khan, khó thở, sổ mũi, kích ứng mắt. Nguyên nhân xuất phát từ việc tiếp xúc với gia cầm, lồng chim, chuồng gà chưa được làm sạch hoặc lông vũ nhân tạo. Trường hợp của Martin ở trên là biến chứng nghiêm trọng của hen suyễn dị ứng.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 cho thấy, việc sử dụng chăn gối từ lông vũ nhân tạo có thể làm bệnh hen suyễn trở nặng. Các nhà khoa học còn phát hiện rằng, chăn lông vũ nhân tạo có chứa nấm liên quan tới hợp chất đường liên phân tử β glucan cao hơn từ 2 - 3 lần. β glucan là một chất gây ra phản ứng viêm và làm thay đổi chức năng phổi.
Nguồn và ảnh: CNN, Guardian, The Sun, BMJ