Vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đã tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.Đ (62 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, rối loạn nhịp tim rung nhĩ, đường huyết tăng cao không kiểm soát và nhiễm trùng da nặng.
Sau khi khai thác bệnh sử được biết: Người bệnh được bệnh viện huyện chẩn đoán đái tháo đường type 2 tăng huyết áp và được kê thuốc uống hàng ngày.
Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng thuốc người bệnh ngừng thuốc, không tái khám và điều trị theo phương pháp của thầy lang gần nhà. Đặc biệt, phương pháp này hoàn toàn phản khoa học khi hướng dẫn người bệnh nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột mà không ăn chất xơ, đạm, chất béo.
Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Kim Anh – Khoa Cấp cứu cho biết: Việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường mà còn làm cho người bệnh N.V.Đ biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, bệnh nhân Đ. đã được điều trị tích cực, bao gồm kiểm soát nhịp tim, điều chỉnh đường huyết, phục hồi chức năng thận và điều trị nhiễm trùng. Sau một thời gian điều trị, hiện tại bệnh nhân ổn định, các chỉ số đường máu, nhịp tim và tình trạng nhiễm trùng đều được kiểm soát, chức năng thận phục hồi hoàn toàn. Sau lần này, bệnh nhân đã nhận thức rõ về bệnh tình của bản thân cũng như tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp điều trị của bệnh viện.
Người bệnh tiểu đường nhất định phải biết điều này
- Không tự ý bỏ thuốc: Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường được bác sĩ kê đơn dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể. Bỏ thuốc đột ngột có thể dẫn đến tăng đường huyết, nhiễm toan ceton, suy cơ quan, hoặc các biến chứng cấp tính khác.
Ảnh minh họa
- Kiểm tra đường huyết định kỳ: Việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp điều chỉnh chế độ điều trị kịp thời và tránh các biến chứng lâu dài như tổn thương thận, mắt, và thần kinh.
- Cảnh giác với các phương pháp điều trị không chính thống như nhịn ăn gián đoạn hoặc sử dụng thực phẩm chức năng chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng có thể gây nguy hiểm. Trước khi thay đổi chế độ ăn uống hay điều trị, bệnh nhân cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
- Cần nhận thức rằng bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính và hiện nay không có phương pháp không dùng thuốc nào để chữa khỏi hoàn toàn.
- Ăn uống cân đối và đúng giờ: Nên ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường đơn, mỡ bão hòa và thức ăn nhanh. Chia nhỏ bữa ăn để tránh tăng đường huyết đột ngột.
- Hạn chế nhịn ăn không có kiểm soát: Nhịn ăn không đúng cách có thể gây hạ đường huyết hoặc thiếu dinh dưỡng, làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vận động thể lực: Duy trì tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga khoảng 30 phút mỗi ngày để tăng cường hiệu quả kiểm soát đường huyết.
- Cần tái khám định kỳ để được đánh giá toàn diện và điều chỉnh điều trị nếu cần.