Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa Gao Yuan, Bệnh viện số 1 Đại học Y Chiết Giang (Chiết Giang, Trung Quốc) chia sẻ: “Khi mức sống ngày càng được nâng cao, mọi người cũng quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khỏe. Cộng thêm sự ảnh hưởng của đại dịch khiến các gia đình có thói quen dự trữ sẵn các loại thuốc phổ biến, chủ động phòng và trị bệnh nhẹ, nhất là trong các thời điểm giao mùa hay thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực thì điều này cũng dẫn tới thói quen dùng thuốc bừa bãi, sai cách, lạm dụng thuốc nguy hiểm”.
Tiến sĩ Gao cho biết thêm, thời điểm từ sau Tết Nguyên đán tới nay số lượng ca bệnh nhập viện vì ngộ độc thuốc mà bệnh viện của ông tiếp nhận tăng đột biến. Trong đó, có một trường hợp nam bệnh nhân phải cắt bỏ gần hết dạ dày vì lạm dụng thuốc giảm đau - một thói quen xấu cực kỳ phổ biến ở mọi lứa tuổi.
Lạm dụng thuốc, phổ biến nhất là uống thuốc quá liều có gây nguy hiểm tính mạng (Ảnh minh họa)
Người đàn ông này tên Ye Bo, ngoài 60 tuổi, sống tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc). So với tuổi của mình, ông Ye luôn được người khác khen ngợi là mạnh khỏe và có vẻ ngoài trẻ trung, vẫn có thể làm việc tay chân. Kết quả khám sức khỏe định kỳ của ông Ye cũng khá tốt, ngoài bệnh gout thì mọi chỉ số khác của ông đều bình thường, thậm chí khỏe mạnh hơn so với tuổi thật.
Gần đây, thời tiết đột ngột chuyển lạnh, nồm ẩm khiến nhiều người mệt mỏi, ốm vặt. Ông Ye cũng nằm trong số đó. Ông cảm thấy đau họng và đau nhức cơ thể do bệnh gout trở nặng rất khó chịu, vì vậy ông chủ động tăng liều thuốc giảm đau gấp đôi so với bình thường. Hôm nhiều nhất lên tới 12 viên thuốc giảm đau kháng viêm ibuprofen mỗi ngày.
Chưa đầy 1 tuần, ông Ye đau bụng đến không chịu nổi mới nói với con trai rằng mình đại tiện ra máu đã 4 ngày. Anh con trai nghe vậy vừa tức giận vừa hoảng hốt, lập tức nghỉ làm đưa bố đến Trung tâm Chấn thương Cấp cứu Giai đoạn I tại Bệnh viện số 1 Đại học Y Chiết Giang (Chiết Giang, Trung Quốc). Người tiếp nhận ca bệnh của ông là Phó khoa Phẫu thuật tiêu hóa Yang Weili.
Bà kể lại: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xanh xao, huyết sắc tố giảm xuống dưới 50 g/L. Trong khí huyết sắc tố ở nam giới trưởng thành bình thường là 120 - 160 g/L) và bị sốc mất máu. Sau nhiều lần kiểm tra, đưa ra chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc dạ dày cấp tính do dùng thuốc giảm đau quá liều, từ đó dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nguy hiểm đến tính mạng”.
Ngay sau đó, bác sĩ Yang đã thảo luận với Trưởng khoa Gao Yuan và thành lập nhóm điều trị khẩn cấp. “Thông thường, xuất huyết tiêu hóa sẽ được điều trị bảo tồn bằng phẫu thuật nội soi. Nhưng nồng độ huyết sắc tố giảm sâu 39 g/L, vết thủng dạ dày của bệnh nhân quá lớn đến mức không thể lành sau khi phẫu thuật để cầm máu, khoang bụng của anh bị nhiễm trùng nặng. Cuối cùng, Tiến sĩ Gao Yuan đã phải phẫu thuật cắt bỏ phần lớn dạ dày để duy trì tính mạng của bệnh nhân”.
Bác sĩ cảnh báo tác hại của thói quen lạm dụng thuốc
Tiến sĩ Gao Yuan nhắc nhở, lạm dụng thuốc là thói quen xấu rất nhiều người mắc phải nhưng đa số mọi người lại không lường được hậu quả khủng khiếp của nó.
Ông giải thích: “Lạm dụng thuốc có thể nói dễ hiểu là tình trạng sử dụng thuốc một cách bừa bãi, bao gồm cả thuốc kê đơn hoặc không kê đơn mà không theo đúng liều lượng khuyên dùng hay chỉ dẫn của dược/y sĩ. Ví dụ như tự ý dùng thuốc, dùng thuốc theo thói quen, khi chưa cần thiết, dùng sai loại thuốc, uống quá liều, tự ý tăng liều thuốc theo thời gian, trộn thuốc với nhau để tăng tác dụng mà không có kiến thức… Trong đó, lạm dụng các loại thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh có thể nói là phổ biến nhất”.
Nhiều người chỉ biết rằng lạm dụng thuốc gây hại cho gan mà không hay thận, dạ dày… và toàn bộ cơ thể đều gặp nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Nói về tác hại của lạm dụng thuốc, Tiến sĩ Gao cảnh báo: “Bản thân việc lạm dụng thuốc có thể khiến bạn chữa không đúng bệnh, gây các cảm giác khó chịu cho cơ thể ở trường hợp nhẹ. Trường hợp nặng, lạm dụng thuốc gây ngộ độc thuốc, suy đa tạng, các bệnh lý cấp tính gây nguy hiểm tính mạng khác. Nhất là liên quan tới gan, thận, dạ dày, thần kinh… Nếu lạm dụng thuốc ở mức độ nhẹ, kéo dài lâu cũng làm các cơ quan này bị quá tải, dần dần mắc bệnh. Đồng thời có thể ảnh hưởng tới hệ sinh sản, sức khỏe tâm thần và gây nhờn thuốc cùng nhiều hậu quả khác”.
Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang làm giảm hiệu quả của thuốc và sinh ra vi khuẩn kháng thuốc. Điều này có thể khiến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2050. Tương tự, việc lạm dụng thuốc giảm đau hay bất kỳ loại thuốc nào khác đều cần được phòng tránh, sửa đổi để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng con người.
Tiến sĩ Gao cũng nhắc nhở thêm, hiện tại đang là thời điểm giao mùa lại nồm ẩm, nhiệt độ thấp nên vi khuẩn, virus hoạt động mạnh. Tình trạng bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm cũng tăng cao nên tất cả mọi người cần chú trọng hơn tới bảo vệ sức khỏe, quan trọng nhất là phòng bệnh. Còn nếu mắc bệnh, hãy chỉ mua và uống thuốc theo chỉ dẫn của y/dược sĩ. Nếu thấy bệnh không thuyên giảm hoặc cơ thể có dấu hiệu lạ sau khi dùng thuốc, cần lập tức tới các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor, Healthline