Cô Lin, 38 tuổi, sống tại Phúc Kiến (Trung Quốc) cũng mắc sai lầm tương tự. Hơn 4 tháng trước, cô bắt đầu nhận ra vùng bụng dưới của mình ngày càng to lên. Nhưng giống như rất nhiều chị em khác, cô cho rằng do mình béo lên. Cộng thêm công việc lại ngồi nhiều tiếng mỗi ngày, từng trải qua 2 lần sinh nở nên vùng bụng dưới tích tụ mỡ thừa cũng không có gì khó hiểu.
Thời gian sau đó, cô Lin rất cố gắng ăn kiêng, chăm vận động hơn nhưng kỳ lạ là bụng của cô chẳng thấy xẹp đi mà ngày càng to. Cô cũng phát hiện ra gần như chỉ có vùng bụng của mình là béo lên, trong khi một số bộ phận khác thì lại ngày càng gầy đi. Một vài đồng nghiệp thân thiết bắt đầu khuyên cô nên đi thăm khám, nhưng cô Lin vẫn đinh ninh mình bị béo bụng và không chịu nghe theo.
Tưởng bụng béo do tăng cân, người phụ nữ bất ngờ phát hiện khối u ác tính (Ảnh minh họa)
Đến khi công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cô Lin mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ nói cô nên nhanh chóng tới bệnh viện tầm soát ung thư. Theo lời giới thiệu của vị bác sĩ này, cô Lin đã tìm đến Giáo sư Xu Jie - Trưởng khoa phẫu thuật cột sống tại Trung tâm Y học Thể thao và Chỉnh hình của Bệnh viện tỉnh Phúc Kiến. Kết quả, Giáo sư Xu Jie cho biết có 1 khối u ác tính lớn hơn 1 nắm tay ở xương cùng.
Cảm xúc của cô Lin lúc đó thay đổi chóng mặt. Lúc đầu, cô cười phá lên và cho rằng bác sĩ bị nhầm kết quả chẩn đoán với bệnh nhân khác giống như trong phim truyền hình. Cô khẳng định mình chỉ bị béo lên thôi, cơ địa của cô rất dễ bị tích tụ mỡ bụng. Đến khi bác sĩ giải thích từng chút một, thậm chí còn kiểm tra lại theo yêu cầu của cô nhưng kết quả không thay đổi thì cô lại trở nên im lặng, ra một góc hành lang ngồi.
Phải mất khá nhiều thời gian, dưới sự hỗ trợ của người nhà cô Lin mới bắt đầu chấp nhận sự thật. Nhưng các y bác sĩ càng bất ngờ hơn khi trạng thái tinh thần của cô Lin tiếp tục chuyển từ buồn bã sang mất bình tĩnh, liên tục muốn các bác sĩ lập tức phẫu thuật cho mình.
4 dấu hiệu của khối u xương cùng tưởng lạ hóa quá quen
Theo Giáo sư Xu Jie, trên thực tế, ít người biết khối u xương cùng là gì, vị trí của xương cùng ở đâu.
“Xương cùng là cấu trúc quan trọng nối liền phần trên và phần dưới của cơ thể con người. Vị trí nó nằm ở phần cuối cột sống, bên dưới đốt sống thắt lưng thứ năm (L5), bên trên xương cụt, giữa xương chậu phải và trái, tạo thành mặt sau của xương chậu.
Khối u xương cùng là những khối u phát triển trên xương cùng, có thể lành tính hoặc ác tính nhưng phần lớn là lành tính. Cũng phải công nhận rằng phẫu thuật khối u xương cùng là một trong những phẫu thuật chỉnh hình khó nhất.
Đồng thời, hầu hết bệnh nhân có khối u xương cùng đều là thanh niên, tuy tỷ lệ mắc bệnh thấp nhưng việc điều trị bằng phẫu thuật rất khó khăn và rủi ro do cấu trúc giải phẫu đặc biệt và vị trí chức năng quan trọng của xương cùng, điều này gây thêm khó khăn lớn cho chức năng sau phẫu thuật của bệnh nhân, phục hồi và tiên lượng".
Với trường hợp của cô Lin, Giáo sư Xu Jie nói: “Vị trí phẫu thuật khó vì có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, đã từng phẫu thuật nội soi, vùng chậu đã có sẹo và dính. Hơn nữa khối u còn nằm sát các mạch máu lớn và thần kinh nên ca phẫu thuật rất phức tạp. Chúng tôi đã phải hội chẩn đa ngành, trải qua nhiều tiếng phẫu thuật cùng nhiều chuyên gia đầu ngành tại Phúc Kiến để loại bỏ khối u lớn bằng một nắm tay. Kích thước này khá lớn, nhưng trường hợp u xương cùng lớn nhất bệnh viện chúng tôi từng tiếp nhận gần bằng một quả bóng đá”.
Ngày đầu tiên sau ca phẫu thuật, cô Lin đã có thể đi lại trong khu vực không có người đi kèm của Khoa Chỉnh hình và bắt đầu ăn uống. Đến ngày thứ tư sau ca phẫu thuật, cô Lin đã được xuất viện và tiếp tục điều trị ngoại trú.
Béo bụng dưới bất thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo khối u xương cùng (Ảnh minh họa)
Giáo sư Xu Jie cũng bày tỏ lo lắng rằng các dấu hiệu của khối u xương cùng dễ bị bỏ qua vì dễ nhầm lẫn hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Chưa kể, mọi người cũng thường ít quan tâm tới xương cùng. Vì vậy, ông liệt kê ra 4 dấu hiệu u xương cùng phổ biến nhất sau đây:
- Cảm thấy đau mãn tính không rõ nguyên nhân, đau âm ỉ ở thắt lưng hoặc mông, hoặc đau dữ dội khi đi lại.
- Bụng dưới phát hiện ngày càng to lên, khi ấn vào có thể thấy khối u bất thường.
- Thay đổi thói quen đường ruột hoặc hệ tiết niệu, đại tiện khó khăn, tiểu kém, nếu loại trừ các vấn đề về hậu môn trực tràng thì nên loại trừ khả năng có khối u ở xương cùng.
- Khối u xương cùng cũng có liên quan đến di truyền bẩm sinh, nếu phát hiện tiền sử gia đình có khối u xương cùng thì nên tiến hành chụp CT và chụp cộng hưởng từ vùng xương cùng càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: QQ, Cancer123, Kknews