Nhắc lại sự việc này, Feifei, một người phụ nữ 35 tuổi ở Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết trước kỳ Tết năm nay, chồng cô đã mua tặng một chiếc điện thoại thông minh màn hình lớn mới làm quà mừng năm mới. Để kéo dài tuổi thọ chiếc điện thoại di động, người chồng còn chu đáo dán tấm dán cường lực cho cô.
Cách đây không lâu, sau khi nhận được một cuộc gọi, Feifei vô tình làm rơi điện thoại xuống đất, cầm lên thì phát hiện màn hình có vẻ như bị vỡ. Cô vội vàng lau điện thoại thì thấy nó vẫn sử dụng được bình thường, không có đốm đen hoặc các vấn đề khác trên màn hình.
Feifei vốn là người luôn tiết kiệm trong cuộc sống nên cô cảm thấy rằng điện thoại không bị hỏng và việc thay tấm dán cường lực đã sứt mẻ là không cần thiết, rất phiền phức. Tuy nhiên, cô không ngờ rằng chính nó lại khiến cô gặp rắc rối về sau.
Một lần, khi Feifei lấy điện thoại di động từ trong túi ra, ngón tay cái bên phải của cô bị mảnh vỡ cực kỳ sắc nhọn của tấm dán cường lực điện thoại đâm vào, đau đến mức cô vội vàng rút tay ra. Sau đó, cô nhanh chóng rút những mảnh vỡ dính vào ngón tay ra, và dùng nước rửa sạch vết máu rồi băng lại để cầm máu.
Mấy ngày sau, tuy vết thương dần lành nhưng ngón tay cô vẫn không hết đau, chỉ cần chạm nhẹ vào là đau, không thể dùng sức được nữa. Feifei đi khám ở bệnh viện gần nhà nhưng vẫn không phát hiện ra vấn đề.
Tình trạng đau nhức ngón tay ngày càng trầm trọng khiến Feifei không thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Trong tuyệt vọng, cô đã đến Khoa Chỉnh hình của Bệnh viện đầu tiên thuộc Đại học Chiết Giang để điều trị.
Khi bác sĩ trực tiếp kiểm tra ngón tay cái bên phải của Feifei, ông thấy rằng vết thương đã hoàn toàn lành lặn và không có vấn đề gì, nhưng chỉ cần ấn nhẹ vào vết thương, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau.
Bác sĩ đánh giá rằng ngón tay của Feifei có khả năng cao là bị mảnh cường lực đâm sâu vào bên trong. Ngày 15/3, Feifei được tiến hành phẫu thuật mổ ngón tay cái bên phải. Các bác sĩ tìm thấy sự tăng sản cục bộ giống như u thần kinh, cắt mô sẹo thì xuất hiện các mảnh có màng cứng bao quanh. Kích thước của các mảnh này khoảng 5x2mm và phần sâu nhất bị "mắc kẹt" trên xương.
Sau khi bóc tách các mảnh có màng cứng bao quanh, loại bỏ u thần kinh, rửa vết thương nhiều lần, bác sĩ đã khâu vết thương cho Feifei.
Theo bác sĩ, một khi dị vật đã ở trong cơ thể người lâu ngày sẽ sinh ra các mô sẹo để bọc lấy dị vật. Do ngón tay có nhiều đầu dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm nên cơn đau sẽ rõ ràng hơn so với khi có dị vật ở các vị trí khác trên cơ thể. Và vì mảnh vỡ của tấm cường lực rất mỏng nên siêu âm B không tìm thấy chúng.
Bác sĩ nhắc nhở: Tấm dán màn hình cường lực có thể bảo vệ điện thoại nhưng rất cứng, một khi bị vỡ thì "sức sát thương" của nó cũng gần ngang ngửa với kính! Ngoài ra, tấm cường lực sau khi bị vỡ sẽ không rơi ra toàn bộ các mảnh sắc nhọn mà vẫn tiếp tục dính vào màn hình, do đó nó có thể dễ dàng làm hại tay người dùng.
Các chuyên gia chỉnh hình khuyến cáo: Nếu tấm phim cường lực của điện thoại bị vỡ, bạn nên loại bỏ nó đi càng sớm càng tốt, và cẩn thận khi làm việc đó để tránh ngón tay bị đâm! Nếu vô tình bị các mảnh vỡ của tấm cường lực đâm vào tay thì tốt nhất nên đến bệnh viện chữa trị kịp thời.
Nguồn và ảnh: BV đầu tiên thuộc Đại học Chiết Giang, Quảng trường Tin tức, Nhật báo Quảng Châu