Bác sĩ Trương Điền Hạo, Trưởng khoa Nội nha tại Bệnh viện Trực thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc (Trung Quốc) cho biết, sâu răng là một trong những vấn đề răng miệng phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi. Ông giải thích, sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ trên răng.
Bệnh sâu răng làm tổn thương cấu trúc của men răng và ngà răng. Nếu sâu răng lâu ngày không được điều trị sẽ gây viêm tủy răng, chết tủy,… gây hôi miệng, mất thẩm mỹ, thậm chí mất răng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe. Sâu răng là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến vi khuẩn trong miệng, chế độ ăn uống không khoa học và đặc biệt là vệ sinh răng miệng không tốt.
Ảnh minh họa
Khi chia sẻ về sai lầm khi vệ sinh răng miệng, bác sĩ Trương đã lấy dẫn chứng một ca bệnh gần đây để lại cho ông nhiều ấn tượng cũng như quá trình điều trị phức tạp nhất. Đó là trường hợp của một người phụ nữ sắp bước sang tuổi 40 nhưng có vẻ ngoài trẻ trung và giọng nói của một cô gái chỉ khoảng ngoài 20 tuổi.
Tuy nhiên, trái ngược với ngoại hình chỉn chu, xinh đẹp thì tình trạng răng miệng của cô lại vô cùng tồi tệ. Bản thân bác sĩ Trương, một người đã có nhiều năm kinh nghiệm điều trị cho hàng trăm ngàn bệnh nhân nội nha cũng khó giấu nổi sự sửng sốt khi khám răng cho cô.
Bởi vì ngay khi cô hé miệng cười người đối diện đã có thể nhìn thấy màu răng ố vàng cùng với rất nhiều mảng bám dày bao phủ bề mặt răng. Khám chuyên sâu hơn phát hiện cả hàm răng 32 chiếc thì có tới 29 chiếc bị sâu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến rất nặng. Đặc biệt, các răng cối lớn phía trong đã sâu sát tủy, đồng thời răng số 8 mọc lệch và bị viêm nha chu ở mức trung bình.
Bệnh nhân cho biết, cô vốn có một hàm răng đều và khỏe từ khi còn nhỏ. Thoải mái nhai cắn các món ăn cứng như chân gà, xương hầm hay thậm chí là cả đá viên mà không có vấn đề gì. Cho đến khoảng gần một năm trở lại đây, cô bắt đầu phát hiện ra răng mình hay bị ê buốt và yếu đi nhiều nhưng vẫn chủ quan không đi khám. Mãi đến khi răng đau buốt đến mức nhai nuốt không nổi, ăn không ngon ngủ không yên mới chịu tới bệnh viện khám.
Nguyên nhân là kiểu chăm sóc răng miệng khiến nha sĩ cũng sửng sốt
Khi hỏi về thói quen ăn uống và chăm sóc răng miệng của bệnh nhân, bác sĩ Trương lại một lần nữa sửng sốt đến mức mất cả phút mới thốt lên lời. Hóa ra, nhiều năm qua người phụ nữ này chỉ dùng nước lã hoặc nước ấm để đánh răng thay vì bất cứ loại kem đánh răng hay sản phẩm chăm sóc răng miệng nào khác.
Ảnh minh họa
Cô kể lại, cô có xem được một video trên mạng xã hội Youtube về việc phân biệt các thành phần hóa học và mức độ độc hại của chúng thông qua vạch màu trên các tuýp kem đánh răng từ nhiều năm trước. Kể từ đó, cô quyết định không dùng kem đánh răng nữa để vừa bảo vệ răng và ngăn ngừa các chất hóa học làm hại tới cơ thể. Người nhà cũng không ít lần khuyên bảo nhưng cô cho rằng đó là bí quyết riêng của mình.
Bệnh nhân cho biết thêm, kể từ khi bỏ hẳn kem đánh răng, cô cũng đã học cách điều chỉnh việc ăn uống để bảo vệ răng của mình. Ví dụ như hạn chế ăn đồ ngọt, ít khi ăn đồ cay nóng, kem hay các thức uống lạnh cô đều tránh xa. Khi đánh răng với nước trắng, cô cũng dành nhiều thời gian đánh răng và chải răng mạnh tay hơn. Nhưng cô không hề biết rằng điều đó là chưa đủ để vệ sinh răng miệng, thậm chí chẳng khác nào đang tự "tàn phá" hàm răng của mình.
Vì quan niệm sai lầm này, cô đã phải trả giá rất lớn khi toàn bộ hàm răng đều gặp vấn đề. Cô cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và chịu nhiều đau đớn để loại bỏ mảng bám, điều trị nội nha, viêm nha chu và các can thiệp nha khoa phức tạp khác. Tuy nhiên, dù đã điều trị bảo tồn tối đa cũng không thể phục hồi chức năng nhai nuốt về như bình thường. Suốt quãng đời còn lại cô sẽ không còn được sinh hoạt, ăn uống thoải mái như bao người khác, lại phải chăm chút răng miệng từng li từng tí một.
Sau khi giải thích rõ ràng và phổ cập lại kiến thức chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân, bác sĩ Trương cũng bác bỏ hiểu lầm về vạch màu trên đáy tuýp kem đánh răng. Đây là sai lầm không chỉ bệnh nhân mà rất nhiều người khác đang mắc phải. Bác sĩ Trương khẳng định, vạch màu dưới đáy tuýp kem đánh răng không liên quan gì đến thành phần chứa trong đó. Chúng đơn giản là “ký hiệu màu” hay còn gọi là “điểm mắt” (eyes mark) với công dụng dành cho quá trình gia công tuýp đựng kem đánh răng. Chúng là điểm mốc giúp máy cắt sản phẩm chính xác, cho tuýp đựng gọn đẹp mà thôi.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở rằng chúng ta nên chăm sóc răng miệng đúng cách và càng sớm càng tốt để ngừa sâu răng cũng như bệnh răng miệng nói chung. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, nhai kẹo cao su không đường, đi bác sĩ nha khoa định kỳ thì nên chú trọng đặc biệt tới việc làm sạch răng miệng. Nên dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng kết hợp với đánh răng đúng cách.
Bác sĩ Trương cũng bày tỏ quan ngại rằng có rất nhiều người chăm chỉ đánh răng nhưng lại đánh răng sai cách. Ông hướng dẫn rằng, điều đầu tiên cần nhớ là hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Nhớ chải răng trong ít nhất 2 phút mỗi lần đánh răng với lượng kem đánh răng vừa đủ, không quá ít cũng không quá nhiều.
Đặc biệt, thêm một điểm mọi người thường làm sai khi đánh răng là chải răng sai hướng. Cách làm đúng là chải theo chiều dọc thân răng thay vì chiều ngang. Cần chải đủ 3 mặt trên - trong - ngoài của cả 2 hàm răng với lực vừa phải, không phải chải càng mạnh càng tốt mà hành vi này còn thể làm hại răng cũng như nướu.
Nhớ chải cả mặt lưỡi và súc miệng kỹ sau khi đánh răng xong. Ngoài ra, không nên đánh răng ngay sau khi ăn xong mà cần chờ 15 - 30 phút sau đó để tránh gây hại cho men răng.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Sohu, MSN