Bác sĩ Chen Yuwei tại Khoa Chuyển hóa của Bệnh viện Đa khoa Dajia Lee (Đài Loan, Trung Quốc) nhắc nhở, giảm cân sai cách có thể khiến bạn phải trả giá đắt bằng sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình. Bà Jin - một bệnh nhân gần đây của ông cũng là một trường hợp như vậy.
Bà Jin ngoài 40 tuổi, sống tại Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc). Vì muốn giảm cân nhanh nên bà học theo bí quyết trên một hội nhóm làm đẹp online: thay thế hoàn toàn tinh bột, thực phẩm chính bằng trái cây. Bà kể lại, lúc đầu ăn theo chế độ này, dù cơ thể rất khó chịu nhưng cân nặng của giảm xuống rất nhanh. Chỉ trong vòng 2 tháng, bà đã giảm được hơn 5kg. Tuy nhiên, những tháng sau đó tốc độ giảm cân của bà chậm hẳn lại, đi kèm rụng tóc và thường thấy mệt mỏi, buồn ngủ ngay sau khi ăn.
Người phụ nữ phát hiện cùng lúc mắc tiểu đường, mỡ máu sau gần 1 năm ăn kiêng để giảm cân (Ảnh minh họa)
Sau gần một năm, bà Jin không những không giảm cân mà còn cảm thấy mình tăng cân đáng kể, nhất là vùng bụng. Lúc nào bà cũng cảm thấy rất khát nước, nhanh đói, buồn ngủ và ngứa ngoài da nên bà quyết định đi khám xem mình có khối u nào ở ổ bụng hay không. Thật không ngờ, kết quả chỉ ra bà cùng lúc bị tiểu đường tuýp 2 và mỡ máu, huyết áp cũng không ổn định do chế độ ăn uống mất cân bằng.
“Các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân đến từ 2 sai lầm trong quá trình giảm cân. Thứ nhất là gần như không ăn tinh bột và thứ hai là dùng hoa quả để thay thế hoàn toàn thực phẩm chính nhưng lại chọn những loại quá nhiều đường” - bác sĩ Chen Yuwei nói.
Cụ thể, bà Jin hoàn toàn không ăn các món như cơm, bún… thậm chí không ăn khoai lang hay các loại củ khác vì cho rằng chưa tinh bột không tốt cho quá trình giảm cân. Bà cũng rất ít khi ăn thịt, các loại rau. Thực phẩm chính của bà là trái cây và nước ép trái cây, ăn với lượng nhiều đủ 3 bữa một ngày. Tuy nhiên, để có sức lực làm việc và thỏa mãn sở thích cá nhân, bà thường chọn các loại quả có vị ngọt như: xoài chín, dưa hấu, nho đen, chuối chín kỹ, lê, cam…
Theo bác sĩ Chen Yuwei, lúc đầu bà Chen giảm cân nhanh là do thay đổi chế độ ăn uống, cắt giảm tinh bột đột ngột và cũng lười uống nước hơn bình thường. Bởi vì bà cho rằng mình đã cấp đủ nước thông qua chế độ ăn toàn trái cây. Chưa kể, những người có thân hình quá khổ, tích nước thường dễ thấy dấu hiệu giảm cân nhanh trong thời gian đầu. Sau đó, nếu chế độ ăn uống không tốt, không đi kèm vận động thì rất dễ tăng cân nhanh trở lại.
Ông giải thích: “Trái cây ngọt có chứa rất nhiều đường fructose và đường glucoza nên khi ăn vào sẽ được hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng nhanh. Nếu ăn mất kiểm soát, lâu ngày khó tránh khỏi rối loạn insulin và mắc tiểu đường tuýp 2.
Chưa kể, ăn quá nhiều đường có thể gây ra huyết áp cao và mỡ máu. Bởi khi có một chế độ ăn nhiều calo và fructose, gan sẽ bị quá tải và bắt đầu chuyển hóa fructose thành chất béo (chính là tăng mỡ máu). Quá trình này còn gây rối loạn chuyển hóa, hình thành xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Nếu duy trì trong thời gian dài, ngoài tiểu đường, mỡ máu, bệnh nhân còn có thể mắc phải huyết áp cao, béo phì, các bệnh tim mạch và thậm chí là ung thư”.
Trái cây tốt nhưng không nên dùng thay thế thực phẩm chính, không nên ăn quá nhiều trái cây ngọt (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, việc cắt giảm quá mức hoặc bỏ hoàn toàn tinh bột trong chế độ ăn uống còn kéo theo rất nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Bao gồm cơ thể bị mất cân bằng dinh dưỡng, suy nhược, rối loạn chuyển hóa, rối loạn kinh nguyệt… và còn dễ gây cảm giác thèm ăn, dễ tăng cân hơn. Để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình, bên cạnh điều trị bằng thuốc, bà Jin còn cần kết hợp với vận động đều đặn, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng dẫn từ bác sĩ và duy trì chế độ ăn uống cân bằng về lâu dài.
Nguồn và ảnh: UDN, Woman.tvbs