Nhắc đến điều chỉnh ăn uống sao cho lành mạnh hơn, đa số mọi người đều nghĩ tới tăng rau xanh, giảm các gia vị như muối hay đường và uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, tăng hay giảm bao nhiêu là đủ thì không phải ai cũng biết. Thậm chí, nhiều người còn phải trả cái giá quá đắt cho việc mù quáng theo đuổi lối sống healthy mà không tìm hiểu kỹ, làm theo những chỉ dẫn không có cơ sở khoa học.
Tiến sĩ Zeng Yuqi, Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tân Đài (Trung Quốc) cho biết, không ít trường hợp nhập viện vì sai lầm khi ăn kiêng, chạy theo "trend ăn uống healthy". Gần đây, ông đã tiếp nhận một người phụ nữ trung niên suýt mất mạng sau khi thực hiện chiến lược “tăng 1 giảm 1” để giữ dáng và phòng ngừa bệnh tật.
Ảnh minh họa
Cụ thể, bà Trương (tên nhân vật đã được thay đổi) vô tình thấy một video trên Youtube nói rằng ăn nhiều gia vị, nhất là muối không tốt cho sức khỏe. Ngoài gây ra nhiều bệnh tật thì ăn thừa muối còn rất có hại cho những người có chỉ số huyết áp cao như bà. Tìm hiểu thêm về lối sống lành mạnh thì bà nhận ra uống nhiều nước không chỉ giúp khỏe hơn mà còn đẹp hơn nhờ duy trì vóc dáng, làn da ở phụ nữ. Từ đó bà quyết định hạn chế ăn muối một cách triệt để và uống nhiều nước nhất có thể.
Nhưng chưa thấy khỏe đẹp ra thì bà đã phải nhập viện trong tình trạng co giật, cơ thể mệt mỏi rã rời, trạng thái tinh thần không ổn định. Kết quả chẩn đoán cho thấy bà Trương bị hạ natri máu nghiêm trọng và các dấu hiệu ngộ độc nước, dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Bởi vì trong gần một tháng liên tục, ba bữa một ngày bà gần như không ăn muối. Lượng nước mỗi ngày bà uống dao động từ 4 - 7 lít, còn thường tập trung uống trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. May mắn là được người nhà phát hiện sớm, bác sĩ điều trị kịp thời nên bà đã giữ được mạng sống.
Hạ natri máu và ngộ độc nước là gì, mức độ nguy hiểm ra sao?
Tiến sĩ Zeng Yuqi giải thích, hạ natri máu là tình trạng giảm nồng độ natri huyết thanh gây ra bởi thừa nước liên quan đến chất hòa tan. Nồng độ natri trong máu bình thường là từ 135 - 145 mEq/L (mmol/L), hạ natri máu xảy ra khi chỉ số này thấp hơn 135 mEq/L.
Natri là chất điện giải giúp điều chỉnh lượng nước trong và ngoài tế bào. Khi hạ natri máu khiến lượng natri trong cơ thể bị loãng và nước trong cơ thể tăng lên khiến các tế bào bắt đầu phình ra. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Trong hạ natri máu mãn tính, nồng độ natri giảm dần trong 48 giờ hoặc lâu hơn và các triệu chứng và biến chứng thường ở mức độ trung bình. Trong hạ natri máu cấp tính, nồng độ natri giảm nhanh chóng dẫn đến các tác động nguy hiểm, như phù não có thể dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.
Ảnh minh họa
Ông cũng nhắc nhở, phụ nữ tiền mãn kinh giống như bà Trương có nguy cơ bị tổn thương não do hạ natri máu cao nhất. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của hormone đối với khả năng cân bằng nồng độ natri của cơ thể.
Các triệu chứng hạ natri máu bao gồm:
- Buồn nôn và nôn.
- Đau đầu.
- Lú lẫn, suy giảm nhận thức.
- Mệt mỏi, buồn ngủ mọi lúc.
- Bồn chồn và cáu kỉnh.
- Yếu cơ, co thắt hoặc chuột rút.
- Co giật.
- Rơi vào hôn mê.
Còn với tình trạng ngộ độc nước, nhiều người cho rằng nó chỉ xảy ra khi uống phải nước nhiễm độc, nước bẩn… Nhưng thực tế, uống quá nhiều nước, nhất là uống liên tục trong khoảng thời gian ngắn của một ngày như bà Trương cũng có thể gây ra ngộ độc nước.
Ngộ độc nước xảy ra khi cơ thể không thể hấp thụ hết lượng nước quá lớn mà chúng ta uống vào. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là khoảng trên 5 lít nước. Lúc này, sự cân bằng điện giải trong cơ thể chúng ta bị mất do tăng quá cao hydrat. Dẫn tới các triệu chứng như: đau đầu, có cảm giác buồn nôn, cơ thể bị yếu, mất sức, dễ bị chuột rút, huyết áp tăng, có thể bị trướng bụng…
Đồng thời, ngộ độc nước do uống quá nhiều nước còn dễ dẫn tới hạ natri máu cấp tính. Đó là lý do mà tính mạng của bà Trương “ngàn cân treo sợi tóc” bởi cùng lúc đối mặt với 2 tình trạng này, cộng thêm bà đã mãn kinh và có tiền sử cao huyết áp.
Ăn bao nhiêu muối và uống bao nhiêu nước là đủ?
Đúng là chế độ ăn uống quyết định rất lớn tới sức khỏe, tuổi thọ và ngoại hình của mỗi chúng ta. Việc giảm gia vị muối và tăng lượng nước trong sinh hoạt hàng ngày cũng đúng là lời khuyên tốt cho sức khỏe, được các chuyên gia khuyến nghị. Tuy nhiên, lối sống healthy thực sự là tăng hay giảm đều phải có cơ sở khoa học, biết thế nào là đủ.
Thiếu muối gây ra giảm natri máu, phù nề, tụt huyết áp, suy giảm chức năng hệ cơ, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhưng thừa muối cũng gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tổn thương thận, viêm loét và ung thư dạ dày, tăng cân hoặc béo phì, cao huyết áp, loãng xương, bệnh tim mạch, biến đổi cấu trúc ADN…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1g muối có khoảng 400mg natri. WHO khuyến cáo một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 2g natri - tương đương với dưới 5g muối mỗi ngày. Còn mức natri tối thiểu cơ thể phải được cung cấp hằng ngày để đảm bảo hoạt động bình thường được ước lượng vào khoảng 200 - 500mg/ ngày, tương đương 0,5 - 1,2g muối mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Hiệp hội Tim mạch Mỹ thì đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5g natri mỗi ngày. Đặc biệt là giảm lượng muối đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao xuống dưới 1,2g natri một ngày.
Còn về thói quen uống nước, các chuyên gia trên thế giới thường đưa ra khuyến nghị chung là 1 người trưởng thành nên uống 2 lít nước một ngày. Tuy nhiên, con số này không cố định mà thay đổi cho phù hợp với thể trạng, môi trường sinh sống, nhu cầu vận động và tình trạng sức khỏe. Ví dụ như Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ thì khuyến cáo 3,7 lít với nam giới và 2,7 lít với nữ giới mỗi ngày.
Cần phải hiểu rằng, uống đủ nước là thói quen tốt nhưng không phải uống càng nhiều càng tốt. Thậm chí, uống quá nhiều nước có thể gây ngộ độc, hạ natri máu nguy hiểm tính mạng giống như trường hợp của bà Trương. Khi uống nước cũng nên uống từ từ từng ngụm nhỏ, rải rác trong nhiều thời điểm chứ không vội vàng uống quá nhiều hay quá nhanh một lúc.
Nguồn và ảnh: ETtoday, WHO, Health People