Người đàn ông 41 tuổi, phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian. Đặc biệt, suy gan phát triển cấp tính, kèm theo các tạng khác cùng suy giảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân sau ca ghép đồng thời tim và gan. Ảnh: Thảo My
Tiến sĩ - bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết sự sống của bệnh nhân được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng.
Một ê-kíp của Bệnh viện Việt Đức được tăng cường vào Nghệ An hỗ trợ hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng. Trưa 1-10, các bác sĩ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của bệnh nhân có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.
Một cuộc họp gấp của hội đồng chuyên môn Bệnh viện Việt Đức được tổ chức. Các chuyên gia đều cân nhắc các tình huống do tình trạng bệnh nhân suy đa tạng ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không đuợc ghép tạng.
Theo bác sĩ Hùng, ngay tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng không thể ghép đồng thời các tạng do tình trạng người bệnh quá nặng, nhóm khác yêu cầu chỉ ghép tim hoặc gan chứ không thể ghép đồng thời. Tuy nhiên, các bác sĩ đã quyết tâm ghép tạng cho người đàn ông.
Phẫu thuật lấy tạng từ người hiến để ghép cho người bệnh
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã chia 2 nhóm. Một nhóm thầy thuốc ở lại Nghệ An thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nhóm còn lại khẩn trương đưa tạng lấy được ở Nghệ An về Hà Nội (cách 300 km). Sau 3,5 giờ di chuyển, tạng đã được đưa về bệnh viện thực hiện ca ghép.
Sau 8 tiếng ghép tim và gan mới vào cơ thể người bệnh, trái tim ghép đã bắt đầu đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển về hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Sau 36 tiếng, các chức năng gan và tim đã hồi phục dần. Đặc biệt, trái tim đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên.
Ông Hùng cho biết đến chiều 9-10, bệnh nhân có thể nói chuyện, tiếp xúc, ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hàng ngày; chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ triển khai thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng.
Nhân viên y tế mặc niệm người hiến tạng
"Thành công của ca ghép đồng thời tim và gan cho cùng một bệnh nhân đầu tiên không chỉ là niềm tự hào của riêng bệnh viện, mà còn khẳng định cho sự tiến bộ vượt trội của ngành y tế nước nhà"- bác sĩ Hùng thông tin.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết chi phí ghép tạng tại nước ta thấp hơn nhiều so với các nước song nguồn hiến tạng còn hạn chế. Với ca ghép đa tạng này, người bệnh chỉ phải trả một phần chi phí, ngoài ra được quỹ BHYT chi trả và nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân của Bệnh viện Việt Đức.
Việt Nam bắt đầu thực hiện kỹ thuật ghép tạng thành công từ năm 1992. Đến nay, cả nước có khoảng 25 trung tâm ghép tạng, 1/4 ca ghép tạng ở Việt Nam được thực hiện ở Bệnh viện Việt Đức. Mỗi năm cơ sở này ghép tới 300 ca. Tính đến đầu năm 2024, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng.
Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Ước tính, mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.
Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người và giúp chữa bệnh cho 100 người khác qua việc hiến mô (giác mạc, da, xương, mạch máu, gân).