Hội nghị sẽ có sự góp mặt của 15 diễn giả - là các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực Gây mê Hồi sức, với báo cáo là những nghiên cứu, hướng dẫn, khuyến cáo, giới thiệu kỹ thuật mới nhất trong quản lý đường thở - cùng hơn 500 khách mời - là các bác sĩ và những người quan tâm đến nội dung hội nghị.
Quản lý đường thở là yếu tố “sống - còn” trong Gây mê Hồi sức
Một trong những nhiệm vụ chính của bác sĩ gây mê là hạn chế các tác động bất lợi của quá trình gây mê lên hệ thống hô hấp, bằng cách giữ cho đường thở thông thoáng và đảm bảo cung cấp oxy cũng như thông khí đầy đủ. Thuật ngữ “Quản lý đường thở” liên quan đến lĩnh vực thực hành này và cũng là nội dung của ngành gây mê hồi sức.
Biến chứng lớn nhất trong quá trình gây mê chính là vấn đề không quản lý được đường thở. . Việc mất kiểm soát đường thở có thể làm cho bệnh nhân tử vong ngay hoặc tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương.
Quá trình gây mê diễn biến qua các giai đoạn: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê, thoát mê (hồi tỉnh) và giai đoạn hậu phẫu. Trong bất kỳ giai đoạn nào đều cũng có thể xảy ra các tai biến và biến chứng về đường thở. Theo báo cáo của WHO 2022, tỷ lệ các ca bệnh có đường thở khó trong gây mê lên tới 18%.
Việc không quản lý được đường thở có thể làm cho bệnh nhân tử vong ngay hoặc tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương.
Bởi vậy, ở giai đoạn khám tiền mê, cần đề cao vai trò của việc sàng lọc bệnh nhân có yếu tố đường thở khó, đánh giá chính xác và lên kế hoạch tiếp cận chủ động. Việc đánh giá đường thở khó dựa trên các dấu hiệu tiên lượng như: tắc nghẽn đường thở trên cấp (không đặt được NKQ); mở màng nhẫn giáp cấp cứu, chấn thương hàm mặt, chấn thương hầu, thở máy kéo dài, ngừng thở khi ngủ nặng, liệt dây thanh nặng,... Khi đã xác định được các trường hợp có đường thở khó, ê-kíp gây mê cần chuẩn bị phương án và dụng cụ cho các tình huống khẩn cấp nhất, nhằm hạn chế rủi ro cho bệnh nhân trong quá trình gây mê.
Tuy nhiên, ở một vài trường hợp hi hữu, khám tiền mê không thể chẩn đoán được đường thở khó do không có dấu hiệu báo trước; mà chỉ xác định được trong quá trình gây mê gọi là “đường thở khó không định trước”. Để “ứng phó” với đường thở khó không định trước mà không bị bối rối, ê-kíp gây mê phải luôn trong tình trạng chuẩn bị kích hoạt chế độ khẩn cấp.
Quá trình thoát mê cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu rút ống nội khí quản quá sớm khi bệnh nhân chưa tỉnh hoàn toàn, còn tồn dư thuốc mê, thuốc giãn cơ gây suy hô hấp; hay rút nội khí quản quá muộn, gây kích thích đường hô hấp; hoặc rủi ro tăng huyết áp, tắc nghẽn đường thở,...
Từ đây, bài toán chung được đặt ra là dựa vào tiêu chí nào để ekip cấp cứu - gây mê sàng lọc đối tượng bệnh nhân có yếu tố đường thở khó, từ đó đưa ra quyết định xử trí chính xác, đảm bảo an toàn thông khí cho mọi trường hợp. Quan trọng hơn hết là sự đồng bộ, hiểu ý và chuẩn bị đầy đủ cả nhân lực và vật lực trong thời gian ngắn nhất.
Hướng dẫn xử lý đường thở và Hội nghị “Quản lý đường thở WAAM” - “kim chỉ nam” cho quản lý đường thở khó trong Gây mê Hồi sức
“Chiến lược quản lý đường thở khó DAS” là bộ hướng dẫn về quản lý đường thở cho các trường hợp có đường thở khó, từ khám mê - gây mê - thoát mê cho các trường hợp đặc biệt do các chuyên gia hàng đầu thuộc Liên minh thế giới về quản lý đường thở WAAM nghiên cứu, xây dựng và mong muốn được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các bệnh viện lớn trên thế giới.
Thực tế ở nhiều bệnh viện đã ứng dụng chiến lược này trong Gây mê Hồi sức, đã hạn chế tối đa các ca bệnh tử vong do không quản lý được đường thở. Mặc dù hiệu quả, tuy nhiên hiện nay chiến lược quản lý đường thở khó chưa hoàn toàn được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các bệnh viện.
Với mong muốn đưa chiến lược quản lý đường thở khó và các kỹ thuật tiên tiến nhất đến gần hơn với các y bác sĩ Gây mê Hồi sức, đến gần hơn với các bệnh viện Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, phối hợp với Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, Liên minh Thế giới về Quản lý đường thở (WAAM), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và tổ chức từ thiện Facing The World tổ chức Hội nghị “Quản lý đường thở WAAM 2024” lần đầu tiên tại Đông Nam Á. Đây là cơ hội để các y bác sĩ Việt Nam được tiếp cận, hiểu rõ hơn để ứng dụng chiến lược quản lý đường thở khó trong thực tiễn.
Hội nghị “Quản lý đường thở WAAM 2024” lần đầu tiên tại Đông Nam Á
Hội nghị có sự tham gia của 15 báo cáo viên là những chuyên gia hàng đầu thế giới về gây mê hồi sức như: Giáo sư Anil Patel - Liên minh thế giới về quản lý đường thở; BS Imran Ahmad - Chủ tịch Hội đường thở khó Anh Quốc; BS Paul Baker Chủ tịch hội quản lý đường thở New Zealand,....với sự dẫn dắt của Chủ tọa GS.TS.BS Công Quyết Thắng Chủ tịch hội Gây mê Hồi sức Việt Nam.
20 bài tham luận có tính thực tiễn cao: Quản lý đường thở trong phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo khí quản: kinh nghiệm trên 84 bệnh nhân; Quản lý đường thở u thanh quản; Cách tiếp cận đa phương thức đối với đường thở khó; Quản lý đường thở cho bệnh nhân có mở khí quản; Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó; Hiệu quả của dự trữ oxy khi ngừng thở bằng oxy lưu lượng cao qua mũi cho phẫu thuật thanh quản; Tiếp cận đường cổ trước; Rút nội khí quản; Quản lý đường thở nâng cao ở bệnh nhân nguy kịch; Đường thở khó ở trẻ em; Hướng dẫn của DAS và đặt nội khí quản chuỗi nhanh; Đặt nội khí quản tỉnh; Xử lý đường thở với các biến dạng đường thở nặng;...
Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, với 500 suất tham dự dành cho các y bác sĩ Việt Nam.
Để đăng ký tham dự và nhận thư mời từ chương trình, vui lòng truy cập trang thông tin chính thức của Hội nghị tại https://en.hongngochospital.vn/waam-vi/