Không ít người cho rằng, đi tiểu nhiều lần trong ngày là tốt, không chỉ giúp thải các độc tố ra khỏi cơ thể, mà còn giúp da đẹp hơn.
Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng, đi tiểu là cách giúp cơ thể thải các độc tố, nhưng có tác dụng đẹp da thì không chính xác. Làn da của chúng ta đẹp lên là nhờ biết cách chăm sóc, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và uống đủ nước…
Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, nước tiểu được tạo thành là do lượng nước chúng ta đưa vào cơ thể đi qua thận. Lúc này, thận sẽ có chức năng lọc máu để lấy ra những chất không có lợi cho sức khỏe, sau đó sẽ thải qua đường tiết niệu. Vì vậy, nhiều người thấy rằng, một số thức ăn khi chúng ta đưa vào cơ thể khi được thải ra bằng đường tiểu sẽ có mùi hoặc có màu.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một người trưởng thành nếu uống đủ 2 lít nước/ngày sẽ đi tiểu 6-7 lần vào ban ngày và 1-2 lần vào ban đêm. Trường hợp đi nhiều hơn 8 lần trong ngày được xem là nhiều.
Theo bác sĩ Sơn, trong nước tiểu có chứa nước, axit uric, ure, chất thải được lọc từ bên trong cơ thể và nhiều loại độc tố khác. Vì vậy, đi tiểu là một cách giúp cơ thể loại bỏ thất thải, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh nó giúp cho da đẹp lên.
Bác sĩ Sơn cho rằng, khi một người đi tiểu quá 8 lần/ngày thì cần phải xem các nguyên nhân sau:
Uống hơn 2l nước/ngày
Theo bác sĩ Sơn, lượng nước tiểu thải ra ngoài phụ thuộc vào việc chúng ta uống bao nhiêu nước hay ăn bao nhiêu thức ăn giúp lợi tiểu trong ngày. Vì vậy, nếu một ngày chúng ta uống quá 2l nước thì số lần thải ra nhiều hơn. Hoặc buổi tối trước khi đi ngủ nếu uống quá nhiều nước thì việc phải thức dậy nhiều lần để đi “giải quyết” cũng là bình thường. Để thay đổi, tốt nhất chúng ta hãy điều chỉnh lại lượng nước đưa vào cơ thể và nên uống nước hợp lý.
Hãy uống đủ nước để giúp cơ thể hấp thu và bài tiết tốt. Ảnh minh họa.
Uống nhiều bia, rượu, cà phê
Theo bác sĩ Sơn, đây là các loại đồ uống giúp kích thích lợi tiểu. Vì vậy, nếu một ngày chúng ta uống nhiều cà phê, bia, rượu mà đi tiểu hơn 8 lần cũng là bình thường.
Có các thói quen không tốt
Một người thường có thói quen uống rượu bia, cà phê vào ban đêm, hay uống quá nhiều nước trong một lần được xem là không tốt, khiến bàng quang phải làm việc liên tục. Vì vậy, bác sĩ Sơn khuyến cáo, nên cải thiện các thói quen này. Trong trường hợp đã thay đổi nhưng vẫn đi tiểu nhiều lần trong ngày hoặc không thể kiểm soát, hãy xem bản thân có đang uống thuốc điều trị về huyết áp, tiểu đường… hay không.
Theo tiến sĩ Sơn, thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường… có tác dụng phụ là làm người bệnh đi tiểu nhiều hơn nhằm hạ huyết áp, đưa chất thải ra bên ngoài. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc mà có hiện tượng này, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Thừa cân béo phì
Thừa cân béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đi tiểu nhiều trong ngày.
Uống nhiều nước nhưng ít vận động
Nếu uống đủ 2l nước/ngày, nhưng ít vận động sẽ khiến lượng nước đưa vào cơ thể không thải qua bài tiết mồ hôi thì sẽ dẫn đến đi tiểu nhiều lần.
Uống nhiều rượu bia và cà phê cũng là nguyên nhân gây lợi tiểu. Ảnh minh họa.
Do bệnh lý
Theo tiến sĩ Sơn, đi tiểu nhiều không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thống đường tiết niệu hay thể hiện một người đang có bệnh nào đó. Đối với nam giới, có thể do bị u tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt) gây nên. Hoặc khi nam giới trên 40 tuổi, phì đại tiền liệt tuyến sẽ lớn ra, gây chèn ép đường tiểu, khiến cho việc đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Đối với phụ nữ, khi đã trên 40 tuổi thì việc đi tiểu nhiều hơn bình thường có liên quan đến chức năng sinh sản và hệ thống nội tiết tố, khiến cho cơ sàn chậu yếu đi, dẫn đến bị rối loạn đường tiểu.
Một vấn đề khác khiến một người khổ sở vì tiểu tiện là do bị sỏi thận, nhiễm trùng tiểu, vệ sinh vùng kín không sạch. Thông thường, các triệu chứng đi kèm với những tình trạng này là người mắc bị tiểu rắt, tiểu buốt hay nước tiểu có màu khác biệt. Vì vậy, bác sĩ Sơn khuyến cáo, nếu phải vào nhà vệ sinh quá 8 lần/ngày mà không phải do uống nhiều nước, sử dụng chất kích thích... thì nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới chất lượng sống và khiến tình trạng nặng thêm.