Nhóm đối tượng nào dễ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh hậu COVID-19?

Nếu cơ thể có sẵn bệnh lý nền thì COVID-19 chỉ như một cú hích khiến các rối loạn bệnh thêm nặng hơn, từ đó khiến nhiều người lầm tưởng đây là di chứng hậu COVID-19.

"Di chứng hậu COVID-19" đang là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, nhưng thực tế nó không đáng sợ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Không phải ai cũng có nguy cơ gặp phải di chứng hậu COVID-19, tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ có những mức độ diễn biến bệnh khác nhau.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong quá trình theo dõi người mắc COVID-19, ở những pha cấp thì diễn biến vẫn còn âm ỉ nhưng di chứng để lại sau 12 tuần khỏi bệnh thì không có nhiều. Khi xem lại số liệu ở thời gian đầu, từ mốc những người nhiễm COVID-19 ở năm 2020 cho tới nay thì tỷ lệ người nhiễm COVID-19 sau 12 tuần vẫn còn nhưng triệu chứng kéo dài chỉ chiếm khoảng 10 - 20% mà thôi.

Nhóm đối tượng nào dễ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh hậu COVID-19? - Ảnh 1.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Livestream "Di chứng hậu COVID, cùng tìm cách vượt qua"

Những đối tượng nào thường dễ gặp phải các triệu chứng bệnh hậu COVID-19?

Càng về sau này thì tỷ lệ sẽ càng thay đổi, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho rằng: "Đây là số liệu từ đợt COVID-19 ở làn sóng thứ 4 và ở thời điểm đó, chúng ta chưa tiêm vắc xin. Cho nên, tỷ lệ những người bị bệnh nặng hay phải nằm ở các cơ sở điều trị trong thời gian đó rất là cao, còn tỷ lệ điều trị ở nhà lại không cao như bây giờ. Con số này sẽ chỉ đúng ở giai đoạn trước, còn trong giai đoạn này, nó sẽ giảm đi rất nhiều".

Những người có các triệu chứng bệnh hậu COVID-19 thường rơi vào nhóm người bị bệnh nặng. Trong giai đoạn cấp của COVID-19, họ phải nằm trong các đơn vị điều trị tích cực với số ngày điều trị kéo dài, hay những người còn phải hỗ trợ thở oxy phân áp cao, người lớn tuổi, béo phì, có bệnh lý nền không ổn định (như đường huyết không ổn định, đang phải điều trị bằng thuốc chống viêm) hay có những bệnh lý phức tạp hơn (rối loạn đông máu, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim thì nguy cơ đông máu rất cao) thì sau này di chứng hậu COVID-19 sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở những người đó và các triệu chứng cũng sẽ tăng nặng hơn.

Nhóm đối tượng nào dễ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh hậu COVID-19? - Ảnh 2.

Ngoài ra, có một phần nhỏ những người trẻ tuổi lại gặp triệu chứng nhẹ của hậu COVID-19 khi điều trị tại nhà có thể là do trước đó họ không đi khám sức khỏe thường xuyên nên bản thân không biết mình có bệnh. Ví dụ như người có rối loạn trong nhịp tim thường không có biểu hiện cụ thể nên khi mắc COVID-19 sẽ chỉ như một cú hích khiến các rối loạn này nặng lên, rõ nét hơn. Điều này khiến nhiều người lại lầm tưởng đây là di chứng hậu COVID-19.

Nhóm đối tượng nào dễ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng bệnh hậu COVID-19? - Ảnh 3.
https://ahadep.com/nhom-doi-tuong-nao-de-co-nguy-co-gap-phai-cac-trieu-chung-benh-hau-covid-19-20220318144721162.chn