Vừa nhìn thấy một bệnh nhân lớn tuổi có tên Kaminsky nằm trên giường, Hank hoảng sợ, khay thuốc, kim tiêm trên tay anh rơi loảng xoảng xuống đất. Nam y tá bỏ vào một góc nức nở không ngừng dù được đồng nghiệp vây quanh an ủi. Một lúc sau, anh cầm áo khoác và ba lô vội vã trở về nhà sớm hơn thường lệ với lý do "không khỏe".
Cuộc sống trong bệnh viện là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim bao gồm 'Chicago Med'. Ảnh: CMW
Trái ngược với thao tác khẩn trương thường thấy tại Khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế Gaffney Chicago (Mỹ), vẫn chưa có ai lấy máu hay chụp chiếu cho Kaminsky. Khi bác sĩ chính Ethan Choi thúc giục, tất cả y tá đều có một lý do biện minh để tránh đụng tới Kaminsky. Sau đó, có một y tá tới lấy máu nhưng hành động quá mạnh khiến bệnh nhân đau đớn.
Cuối cùng, lý do thực sự cũng hé lộ, nam bệnh nhân lớn tuổi là một thầy giáo piano từng cưỡng hiếp nam y tá Hank khi còn là một cậu bé tới học đàn.
Đỉnh điểm căng thẳng xảy ra khi Kaminsky chết với nghi vấn bị một y tá cố tình tiêm thuốc quá liều. Dù vậy, kết luận cuối cùng cho thấy người đàn ông này chết vì một lý do khác.
Câu chuyện trên là diễn biến của một tập trong series phim về ngành y Chicago Med nổi tiếng. Dù vô tội trong cái chết của bệnh nhân nhưng hành động của các y tá trong phim gây ra nhiều tranh cãi. Không ít người thắc mắc về cách ứng xử của y bác sĩ với những tội phạm ngoài đời có giống trong phim hay không? Dưới đây là chia sẻ của một số nhân viên y tế từng đối mặt với những người phạm tội tại bệnh viện:
Vẫn chữa trị hết mình dù trong lòng tức giận
Nữ y tá Lou Davis nhiều lần điều trị cho những người có tiền án. Ảnh: Channel 4
Lou Davis là y tá cấp cứu, giáo viên điều dưỡng lâm sàng (Nottingham, Anh) có hàng chục năm kinh nghiệm. Bà đã điều trị cho những kẻ giết người, hiếp dâm, ấu dâm. "Tôi vẫn làm việc trong khi một số bệnh nhân này đưa ra những bình luận thô lỗ", nữ y tá kể.
Bà chia sẻ sự chăm sóc của mình dành cho các tội phạm về mọi mặt giống như bất kỳ ai khác. Bà sẽ tập trung sự chú ý, áp dụng tiêu chuẩn cao, giúp họ giảm đau, đảm bảo khâu các vết thương chuẩn chỉnh như những bệnh nhân khác.
“Bề ngoài không có sự khác biệt nào cả nhưng bên trong không như vậy. Tôi không bao giờ hạ thấp các tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân nhưng điều đó không đồng nghĩa tôi không có cảm giác tức giận, ghê tởm, ghét bỏ. Nhưng tôi không thể hiện những cảm xúc đó. Nếu tôi hành động với bất kỳ điều gì khác ngoài sự cẩn trọng thông thường, tôi đã hạ thấp bản thân và nghề nghiệp của mình”, y tá Lou Davis tâm sự.
Bà từng điều trị cho một người đàn ông đặc biệt khó chịu cách đây vài năm. Ông ta liên quan tới một số vụ giết người, bao gồm cả một đứa trẻ. Khi đó, nữ y tá đã nói với một đồng nghiệp về cảm xúc của mình và ước gì không phải chăm sóc người này.
“Người đồng nghiệp nhìn tôi và nói: 'Chỉ cần nghĩ rằng, chúng ta quan tâm đến bệnh nhân, không phải về bệnh nhân'. Điều đó sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn. Anh ấy nói đúng. Tôi phải làm công việc của mình. Đôi khi tôi không thích, tôi không muốn làm nhưng tôi sẽ làm hết khả năng của mình, bất kể bệnh nhân là ai”, bà Lou Davis kể.
Vô đạo đức khi từ chối điều trị cho tội phạm
Tiến sĩ Jeffrey Junig luôn ứng xử với mọi bệnh nhân như nhau. Ảnh: Ratemds
Tiến sĩ Jeffrey Junig (Trường Y khoa và Nha khoa - Đại học Rochester, Mỹ) cho rằng từ chối điều trị cho một người có tiền án là vô đạo đức. Đồng thời, cũng không ổn khi để một bác sĩ điều trị cho người đã giết thân nhân của bác sĩ vì thầy thuốc đó sẽ không thể đưa ra phán đoán hợp lý cho bệnh nhân.
Tiến sĩ Junig từng chữa cho một vài đối tượng phạm tội bạo lực, thậm chí giết người (khi bị loạn thần). Họ đã gặp khó khăn khi tìm bác sĩ trước khi gặp ông. “Họ thực sự rất ‘bình thường’ và tốt bụng khi tình trạng của họ được điều trị đúng cách. Tôi không chắc tại sao các bác sĩ khác lại từ chối khám chữa cho họ”, vị tiến sĩ kể.
Trường hợp ngoại lệ
Một ngày cuối tuần, James W Renne - bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ lái xe chở vợ và 2 con. Họ đang dừng ở ngã tư khi có đèn đỏ thì một chiếc ô tô đâm thẳng vào xe của họ, gây ra thiệt hại đáng kể nhưng không có thương tích nghiêm trọng nào.
Ngay sau đó, bác sĩ Renne nhận điện thoại thông báo tới cấp cứu cho một bệnh nhân gặp tai nạn xe hơi, chụp X-quang cho thấy anh ta bị gãy tay. Ông hỏi vụ tai nạn xảy ra ở đâu và hóa ra đây chính là anh chàng đã đâm vào xe của ông.
“Nếu chúng tôi ở nơi hoang vắng và không có ai khác có thể chăm sóc cho bệnh nhân, tôi sẽ điều trị cho anh ta hết khả năng của mình”, bác sĩ Renne khẳng định.
Lời thề Hippocrates và các quy định pháp luật không cho phép y bác sĩ phân biệt đối xử với các bệnh nhân. Ảnh minh họa: Ipleaders
Nhưng trong trường hợp này, ông đã gọi cho một đồng nghiệp và giải thích tình hình. Mặc dù không phải ca trực của mình nhưng vị bác sĩ đó đã đồng ý thay thế bác sĩ Renne chăm sóc cho bệnh nhân trên.
Bác sĩ Renne giải thích ông quyết định như vậy bởi nếu kết quả điều trị không hoàn hảo, bệnh nhân có thể khiếu nại rằng ông đã cố tình trả thù anh ta vì đã gây nguy hiểm cho gia đình ông.
“Tất nhiên, tôi sẽ không bao giờ làm thế nhưng những tình huống phức tạp có thể làm rối tung việc điều trị, tốt nhất là chuyển giao việc chữa bệnh cho người khác. Quyết định như vậy sẽ tốt cho tất cả mọi người liên quan”, bác sĩ Renne nói.
Luật Đạo đức Y khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ nêu rõ bác sĩ có nghĩa vụ đạo đức là "cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có năng lực với lòng trắc ẩn và tôn trọng nhân phẩm, quyền con người". Nghĩa vụ này áp dụng cho tất cả bệnh nhân, không có ngoại lệ. Việc từ chối điều trị cho ai đó chỉ vì tình trạng phạm tội của họ có thể bị coi là vi phạm đạo đức y khoa. Ngoài ra, cơ quan chức năng Mỹ yêu cầu các bệnh viện nhận được tài trợ của chương trình bảo hiểm quốc gia Medicare phải cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp cho bất kỳ cá nhân nào cần điều trị, bất kể khả năng chi trả hoặc tình trạng pháp lý của họ. Như vậy, các bác sĩ bị cấm từ chối điều trị cho bệnh nhân trong các tình huống khẩn cấp dựa trên lý lịch phạm tội. Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 của Việt Nam quy định một số trường hợp bác sĩ có quyền từ chối điều trị cho bệnh nhân gồm: - Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình. - Việc khám chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. - Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể của bác sĩ. - Người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không phù hợp quy định về chuyên môn kỹ thuật. - Người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của bác sĩ. |