Nữ bệnh nhân "chết đứng" khi bác sĩ kết luận mắc bệnh cực kỳ hiếm gặp

Cổ to lên một cách bất thường, sưng lệch hẳn sang bên trái, chị N.T.H. đi khám và "chết đứng" khi bác sĩ kết luận chị mắc căn bệnh cực kỳ hiếm gặp.

Nữ bệnh nhân "chết đứng" khi bác sĩ kết luận mắc bệnh cực kỳ hiếm gặp - 1

Khối u tuyến ức lạc chỗ lên cổ bệnh nhân trên phim. 

Các bác sỹ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa chẩn đoán và phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ có u tuyến ức “lạc chỗ” ở tuyến giáp - một bệnh lý cực kỳ hiếm gặp. Khối u có kích thước tương đối lớn khiến cổ bệnh nhân bị sưng lệch hẳn sang bên trái.

Thấy cổ to lên bất thường, chị N.T.H., sinh năm 1993, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ liền đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để kiểm tra. Qua thăm khám ban đầu, nghi ngờ có u giáp trái, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp 64 dãy vùng cổ kết hợp sinh thiết kim. Kết quả giải phẫu bệnh và chẩn đoán hình ảnh xác định là u tuyến ức typ AB tại vị trí trung thất trước trên và một phần vùng cổ trái kích thước 8x5cm hay còn gọi là u tuyến ức lạc chỗ.

Các bác sĩ ngay lập tức đưa ra hướng giải quyết. Và việc điều trị u tuyến ức, phẫu thuật là chỉ định bắt buộc. Nếu không được cắt bỏ, u sẽ phát triển xâm lấn, chèn ép tổ chức xung quanh gây ảnh hưởng các chức năng cơ thể, sức khỏe và cả tính mạng của người bệnh.

Trong hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ Đơn nguyên Ngoại theo yêu cầu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tiến hành cắt bỏ hoàn toàn khối u tuyến ức lạc chỗ cho bệnh nhân H.

TS. BS Phan Lê Thắng, phụ trách Đơn nguyên Ngoại theo yêu cầu cho biết, khác với các ca phẫu thuật tuyến ức thông thường, thay vì thực hiện qua đường mở ngực, các bác sĩ đã mổ lấy u qua đường rạch ở cổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh và được xuất viện sau 3 ngày.

“Đây là một ca bệnh u tuyến ức lạc chỗ cực kỳ hiếm gặp, trên thế giới cũng mới phát hiện số trường hợp đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên được phẫu thuật giúp điều trị triệt căn và ít có nguy cơ tái phát”, TS.BS Phan Lê Thắng nhấn mạnh.

U tuyến ức là khối u hiếm có nguồn gốc từ các tế bào biểu mô tuyến ức. Chúng chiếm khoảng 1% các khối u ở người lớn và là khối u thường gặp nhất trong u trung thất trước.

U tuyến ức lạc chỗ có nguồn gốc từ sự di chuyển bất thường của mô tuyến ức trong thời kì phôi thai. Các vị trí thường gặp nhất của u tuyến ức lạc chỗ là cổ, trung thất giữa, trung thất sau và phổi.

Theo thống kê của Hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc u tuyến ức khoảng 15/100.000 dân. Tỷ lệ mắc nam: nữ là 1: 1. Thể mô học hay gặp nhất là ung thư tuyến ức. Tuy nhiên tất cả các trường hợp u tuyến ức đều có khả năng xâm lấn nên phải được xem là ác tính.

Nguyên nhân sinh bệnh và yếu tố nguy cơ chưa được xác định rõ. Khoảng 1/3 số bệnh nhân được tìm thấy có u tuyến ức khi kiểm tra trên bệnh nhân có biểu hiện nhược cơ.

Trên thực tế lâm sàng, có thể gặp u tuyến ức ở cả trẻ em và người già. Tuổi hay gặp từ 50-69 tuổi đối với u tuyến ức không có biểu hiện nhược cơ, 30-69 tuổi đối với u tuyến ức có biểu hiện nhược cơ. Các triệu chứng cơ năng đa dạng, từ không có triệu chứng và được phát hiện sau khi chụp lồng ngực sàng lọc đến một số bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở, ho khan, nhược cơ (liên quan đến cơ chế tự miễn).

Biểu hiện nhược cơ toàn thân thấy trên 70% trường hợp, 30% bệnh nhân còn lại chỉ biểu hiện nhược cơ vận động nhãn cầu. Nhược cơ có thể là dấu hiệu chỉ điểm giúp khám và phát hiện u tuyến ức, do vậy, ở những bệnh nhân có triệu chứng này thường được chẩn đoán sớm hơn.

Ngoài ra, người mắc u tuyến ức có một số biểu hiện như: đau tức ngực, khó nuốt, dễ sặc, khó thở, sụp mí, nét mặt đờ đẫn…, tuy nhiên, bệnh khó phát hiện sớm do dấu hiệu không rõ ràng.

“Người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn, gây ra nhược cơ hô hấp dẫn đến tình trạng không thở được. Vì thế, người dân không nên chủ quan với những triệu chứng bất thường trên cơ thể, nên đi khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị đúng hướng”, TS. BS Thắng khuyến cáo.