Nữ điều dưỡng BV Đà Nẵng: Mẹ đơn thân 2 lần xung phong vào tâm dịch

“Lần nào gọi điện thoại về, tôi cũng tỏ ra là người mẹ mạnh mẽ, rồi hứa khi về sẽ mua quà bù đắp. Nhưng con gái lại động viên: Mẹ cứ yên tâm công tác, khoẻ mạnh trở về rồi tính. Tôi nuốt nước mắt vì thương con!”, nữ điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương - BV Đà Nẵng chi viện Bắc Giang chia sẻ.

Là một trong 6 điều dưỡng nữ của Bệnh viện (BV) Đà Nẵng đến chi viện "điểm nóng" Bắc Giang lần này, chị Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi - Khoa Gây mê hồi sức, BV Đà Nẵng) khiến nhiều người cảm phục khi tâm sự chị nhất quyết xung phong đi chống dịch dù nhà chỉ có 2 mẹ con, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo.

Chị kể: "Thời điểm dịch ở Đà Nẵng, tôi hỗ trợ tại BV Dã chiến Hoà Vang 1 tháng. Rồi đến 28-29 Tết, khi Gia Lai cần chi viện, tôi cũng xung phong đăng ký và đã chuẩn bị tâm lý, hành trang để lên đường. Nhưng sau đó, lại nhận được thông báo không cần không đi nữa. Chính vì thế, lần này khi nhận được lệnh Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, tôi nhất quyết nói: "Lần trước em đăng ký mà không được nên lần này em nhất định phải đi".

Nữ điều dưỡng BV Đà Nẵng: Mẹ đơn thân 2 lần xung phong vào tâm dịch - 1

Điều dưỡng Hoài Thương ngày lên đường chi viện Bắc Giang

Điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ, nhiều người có tâm lý lo ngại khi vào tâm dịch, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị cho rằng: "Khi đã đứng trong hàng ngũ y bác sĩ, tôi luôn xác định tâm lý phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm. Khi Đà Nẵng có dịch tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc các bệnh nhân nặng, tôi được trang bị về kiến thức thực tế, có phương tiện bảo hộ, nên tôi đã hành trang lên đường, đem tất cả những gì mình có đến Bắc Giang, mong góp công sức diệt COVID-19 nhanh chóng để mọi người có thể trở lại cuộc sống an yên".

"Tất nhiên, với hoàn cảnh gia đình 1 mẹ 1 con nên khi lên đường điều tôi băn khoăn nhất chính là cô con gái. Nếu tôi không nhất quyết đăng ký thì với trường hợp của tôi chắc cũng không nằm trong danh sách chi viện", chị tâm sự.

Cô con gái điều dưỡng Hoài Thương năm nay đã chuẩn bị lên lớp 10. Chị kể, vì hoàn cảnh 1 mẹ 1 con nên con gái cũng có tính tự lập từ nhỏ. Khi quyết định đi Bắc Giang hỗ trợ chống dịch COVID-19, chị cũng hỏi ý kiến con gái. "Cô con gái rất hiểu chuyện nên bảo: "Mẹ cứ yên tâm đi và hoàn thành nhiệm vụ, con ở nhà có thể tự chăm lo được. Con lớn rồi chứ bé nữa đâu!". Trước khi đi, tôi gửi con gái về quê ngoại ở Quảng Nam, nhờ ông bà trông nom cháu. Ông bà ngoại cũng động viên tôi lên đường bình an, sớm ngày về".

Sau khi đội ngũ y, bác sĩ BV Đà Nẵng có mặt Bắc Giang, trong khi Trung tâm hồi sức tích cực 100 giường hoàn thiện, điều dưỡng Hoài Thương được phân công hỗ trợ BV Chợ Rẫy chăm sóc ca bệnh nặng tại BV Phổi. Chia sẻ về việc khi làm với ê kíp khác, nữ điều dưỡng cười cho biết, thực tế chị đã có thời gian làm việc cùng đội ngũ y, bác sĩ Chợ Rẫy từ đợt dịch ở Đà Nẵng nên anh em đã quen biết, có thể nói là gắn bó và làm việc ăn ý.

Điều dưỡng Hoài Thương trong 1 ca trực đêm tại BV Phổi Bắc Giang

Tuy nhiên, lần này đến Bắc Giang, cảm nhận của chị rất khác so với lần dịch ở Đà Nẵng. Chị bày tỏ: "Khi làm việc ở Bắc Giang, điều khác nhất chắc phải kể đến khí hậu nắng nóng và khó chịu hơn Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sĩ".

Thế nhưng, theo nữ điều dưỡng Hoài Thương, nói như thế để biết rằng "trận chiến" này có thể còn dài và còn nhiều thử thách. Và riêng với cá nhân, chị không có sự lo lắng vì đã được trang bị kiến thức chống nhiễm khuẩn, các phương tiện bảo hộ và đã làm đến thành thạo nên không lo ngại sẽ bị lây nhiễm cho bản thân.

"Thành thật chia sẻ thì trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, có thể ai cũng có sự quan ngại, nhưng khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân mọi nỗi lo sợ không còn nữa. Lúc đó mình chỉ muốn làm sao thật tốt để họ thật khoẻ chứ không nghĩ ngợi gì", điều dưỡng Hoài Thương bộc bạch.

Rồi chị kể một câu chuyện vui trong phòng bệnh nặng. "Hai ngày trước, trong một ca trực tối (4/6) tại Bệnh viện Phổi, có bệnh nhân nam phải lọc máu nhưng lúc đó vẫn tỉnh táo. Anh ngoắc ngoắc tay ra hiệu cho tôi nhờ đưa đi tiểu tiện. Tôi nhìn quanh phòng không thấy bô tiểu nam giới nên đã đành lấy 1 chai dịch đã hết rồi cắt 1 lỗ rồi đưa để bệnh nhân đi vệ sinh. Thực tế, với những điều dưỡng trong khoa hồi sức như chúng tôi đã rất quen với việc chăm sóc bệnh nhân như thế, còn bệnh nhân lại rất ngượng ngùng. Khi thấy tôi đưa chai dịch, anh ấy nhìn tôi với ánh mắt mở to ngạc nhiên như kiểu: Trời ơi sao chị lại ngang nhiên như thế! Nói ra có thể mọi người thấy lạ, nhưng thực sự những điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng thì chuyện như thế rất bình thường - nhất là khi họ là bệnh nhân COVID-19 nặng", nữ điều dưỡng sinh năm 1984 kể.

"Ở trong tâm dịch, một ngày chúng tôi hoạt động liên tục, hiếm khi có thời gian được nghỉ ngơi trọn vẹn lắm. Mỗi ngày êkip đều phải ở lỳ suốt trong phòng bệnh để theo dõi điều trị tất cả bệnh nhân. Dù mệt mỏi thật nhưng tất cả y, bác sĩ đều cảm thấy được an ủi mỗi khi nhìn thấy diễn tiến tốt của các ca bệnh nặng. Có thể không giúp được nhiều nhưng phần nào góp công sức để hỗ trợ Bắc Giang lúc này. Như lúc lên đường tôi đã hứa, khi nào hết dịch mới quay về, đi 1 tháng 2 tháng cũng được, xong nhiệm vụ, dịch ổn thì về!", điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ.

Hỏi chị, những lúc bận rộn rồi khi hết ca, có khi nào yếu lòng yếu lòng nhớ nhà nhớ con mà khóc? Chị bộc bạch: "Đúng là khi vào trong phòng bệnh, mặc đồ bảo hộ kín, thời tiết nóng bức người mất sức nhiều, rất mệt. Nhưng nghỉ ngơi 1-2 tiếng là lấy lại sức và lại có thể tiếp tục công việc. Và thực sự, tôi nhớ con nhớ nhà chứ! Rất nhớ! Tôi dành buổi tối tranh thủ nói chuyện với con gái, nhớ và thương con thiệt thòi nhưng tôi không dám khóc vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Lúc nào gọi về cũng tỏ ra là người mẹ mạnh mẽ! Rồi hứa khi về sẽ mua quà bù đắp, nhưng con gái lại động viên: Mẹ cứ yên tâm công tác, khoẻ mạnh trở về rồi tính! Tôi nuốt nước mắt vì thương con!".