Từ bé, Lan luôn đạt thành tích học tập cao nhất lớp, là niềm tự hào của gia đình. Nữ sinh cũng tự đặt cho mình rất nhiều mục tiêu, đặc biệt là áp lực luôn đứng đầu. Năm 12 tuổi, Lan bắt đầu có biểu hiện buồn chán, ít nói, ở một mình trong phòng, cô lập do kết quả học tập không được như mong muốn.
Khi chán nản, em dùng dao dọc giấy rạch tay, "song không hề cảm thấy đau đớn". Nữ sinh thường mặc áo dài để che sẹo nên gia đình không phát hiện ra.
Gần đây, Lan thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, cáu gắt. Em bị mất ngủ, đầu óc lơ mơ, không thể tập trung làm gì. Lúc này, mẹ phát hiện tay con gái có nhiều vết sẹo, liền đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Ngày 6/9, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết trên tay trẻ chi chít vết sẹo dài kèm biểu hiện stress, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Kết quả thăm khám cho thấy nữ sinh mắc chứng rối loạn nhân cách, trầm cảm do tự đặt kỳ vọng quá cao, dẫn đến áp lực. Người bệnh rạch tay vì cảm thấy dễ chịu và là cách duy nhất để thoát khỏi áp lực học tập.
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Nguyên nhân sinh bệnh là do di truyền, thay đổi dẫn truyền thần kinh, rối loạn phát triển não bộ và tác động của môi trường sống. Còn trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn bã kéo dài và mất hứng thú với những hoạt động thường ngày.
Tương tự, nữ, 15 tuổi, liên tục nằm mơ ác mộng và muốn tự sát do áp lực "con ngoan, trò giỏi". Em cho biết suy nghĩ "ước gì ngày mai mình không tỉnh dậy nữa" xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, thậm chí nghĩ đến việc gây thương tích cho bản thân để kết thúc cuộc đời. Trầm cảm khiến người bệnh hoang mang, hoài nghi về bản thân, tâm trạng thất thường, trầm buồn, hay khóc, kết quả học tập đi xuống.
Cả hai bệnh nhân được dùng thuốc và tâm lý trị liệu, song bác sĩ khuyến cáo bệnh cần điều trị lâu dài, nguy cơ tái phát cao.
Ảnh minh họa học sinh cuối cấp gặp áp lực tâm lý trước những kỳ vọng của bố mẹ, nhà trường. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử trên thế giới. Năm 2011, WHO dự đoán đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có gần 40.000 ca tự tử vì trầm cảm tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm mỗi năm là 0,3-7,8% ở trẻ dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và 3-7% ở tuổi 15.
Bộ Y tế thống kê tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần trên toàn quốc là 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm chủ yếu do yếu tố tâm lý. Chẳng hạn quan niệm "con ngoan, trò giỏi" từ phụ huynh, nhà trường vô tình tạo áp lực lớn cho con trẻ. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ tự tạo áp lực cho bản thân nên càng dễ sa sút tinh thần.
Ngoài ra, trẻ được tự do sử dụng mạng xã hội, tiếp xúc nhiều nội dung cực đoan, có hại như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát. Khoảng thời gian dậy thì, cơ thể trẻ có nhiều xáo trộn về nội tiết, hormone, xuất hiện nhiều suy nghĩ khác lạ nhưng nhiều em không dám bộc lộ bản thân với gia đình.
"Trầm cảm, rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên không chỉ gây hậu quả cấp tính mà còn làm giảm nhận thức và mức độ tự tin của trẻ, ảnh hưởng đến tương lai nếu không được điều trị", bác sĩ nói. Trong đó, hành vi gây thương tích, muốn tìm đến cái chết là mối nguy hiểm hàng đầu.
Bác sĩ khuyến cáo bố mẹ nên lắng nghe, tâm sự cùng con cái, cùng tập thể dục, xây dựng chế độ ăn tốt cho sức khỏe. Bố mẹ nên đặt ra áp lực hoặc kỳ vọng quá lớn lên trẻ. Khi trẻ có bất thường, việc đầu tiên là đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tùy vào tình trạng, trẻ có thể được hướng dẫn tham gia liệu pháp tâm lý hoặc điều trị để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực.