Đối với nhiều người trẻ hiện nay, nếu đặt một đĩa hoa quả và một cốc nước ép (vắt) từ cũng những loại hoa quả ấy, có lẽ đa phần họ sẽ chọn uống nước ép, đơn giản vì họ lười nhai hoặc nhằn hạt, gọt vỏ... Và họ cũng cho rằng bất kể bạn chọn ăn hoa quả hay uống nước ép của chúng cũng đều giống nhau, cơ thể cùng nhận được lượng dinh dưỡng tương đương nhau.
Tuy nhiên, có thể bạn không tin, dưới con mắt của các chuyên gia dinh dưỡng, 2 việc này có sự khác biệt rõ rệt. Tờ Life Times của Trung Quốc mới đây đã phỏng vấn các chuyên gia bao gồm: bác sĩ Zuo Xiaoxia, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế số 8, Bệnh viện Đa Khoa PLA (Trung Quốc); và chuyên gia dinh dưỡng Shi Zhengli, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, Đại học Y khoa Thủ Đô (Trung Quốc) để tìm hiểu sự khác biệt giữa nước ép trái cây và trái cây.
Theo đó, các chuyên gia chỉ ra 2 nhược điểm của nước ép trái cây:
- Uống nước trái cây mới vắt dễ tăng cân
Quá trình ép trái cây tươi thực chất là quá trình chế biến tinh. Trong quá trình này, thành tế bào của trái cây sẽ bị phá hủy, đường fructose, glucose… trong đó sẽ được giải phóng, từ trạng thái "giam cầm" ban đầu sang trạng thái tự do. Kết quả là tỷ lệ hấp thu các loại đường này của cơ thể người tăng lên đáng kể và khiến bạn dễ bị tăng cân nhanh chóng.
- Ít chất dinh dưỡng hơn trong nước trái cây mới vắt
Sau khi bị vắt (ép), một số chất dinh dưỡng trong trái cây sẽ bị phá hủy, chẳng hạn như vitamin C.
Nhiều người thích lọc bỏ bã sau khi ép nước, thao tác này sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng chất xơ trong trái cây, phần nước ép còn lại sẽ thực sự trở thành một cốc nước đường với rất ít chất dinh dưỡng.
4 nhóm người không nên uống nước trái cây mới vắt
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo 4 nhóm người này dù có thể ăn trái cây nhưng nước ép (vắt) trái cây thì không.
1. Người cần giảm cân
Để vắt được một ly nước trái cây nguyên chất thường phải mất vài trăm gam trái cây, ví dụ một ly nước cam thì cần từ 3 đến 5 quả cam.
Bằng cách ăn cam trực tiếp, hầu hết mọi người có thể cảm thấy no và hài lòng chỉ với một quả, đồng thời tiêu thụ ít calo và đường hơn. Nếu bạn chuyển sang uống nước cam, tương đương với bạn đã ăn vài quả cam chỉ trong một hơi, cơ thể nạp rất nhiều calo và có thể gây đầy bụng.
2. Người bị bệnh gút
Sau khi được ép thành nước, đường fructose trong trái cây sẽ được giải phóng và cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn. Fructose có thể ức chế sự bài tiết axit uric, làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh gút.
3. Người bị tiểu đường
Hàm lượng đường và chỉ số đường huyết của nước ép trái cây tươi tương đối cao, không có lợi cho những người bị tiểu đường.
So với trái cây tươi, sự mất mát chất xơ và pectin trong nước trái cây mới ép là lớn nhất. Trong số đó, pectin giúp kiểm soát lượng đường trong máu và lipid máu, trong khi chất xơ có thể ngăn ngừa táo bón và giảm cholesterol huyết thanh, rất cần thiết cho người bị bệnh tiểu đường. Đó là lý do tại sao những người bị bệnh này có thể ăn trái cây nhưng không thể uống nước ép trái cây.
4. Trẻ nhỏ
Bản chất của nước ép (vắt) trái cây là thức uống có đường cùng một số chất dinh dưỡng, không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Theo khuyến nghị của Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc (2016), trẻ em ở độ tuổi đi học nên ăn 150-350g trái cây mỗi ngày, bởi hàm lượng đường fructose trong đa phần trái cây đều dưới 50g vì vậy không cần quá lo lắng khi ăn trái cây.
3 nhóm người nên dùng nước trái cây ép (vắt)
- Nước trái cây ép không cần nhai và dễ nuốt, những bệnh nhân khó nhai hoặc khó nuốt có thể sử dụng nó thay vì ăn trái cây để cải thiện chất lượng chế độ ăn.
- Những bệnh nhân bị suy giảm chức năng tiêu hóa, tiêu hóa và hấp thu kém cũng có thể uống nước trái cây tươi ép để giúp giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân bị suy nhược, viêm đường tiêu hóa cấp tính, ung thư thực quản có thể bổ sung calo, khoáng chất và vitamin với lượng nhất định bằng việc uống nước ép (vắt) trái cây sau khi lọc bã.
Nguồn và ảnh: Life Times