Park Min Young là nữ diễn viên Hàn Quốc đã quen mặt với khán giả Việt và Châu Á với một loạt cái tên đình đám: “Thợ săn thành phố”, “Người cứu thế”, “Thư ký Kim sao thế”... Gần đây, phim mới “Cô đi mà lấy chồng tôi” (Marry My Husband) gây được tiếng vang lớn càng khiến những lùm xùm đời tư liên quan tới tình cũ doanh nhân của cô được quan tâm trở lại.
Cụ thể, bạn trai cũ của nữ diễn viên là Kang Jong Hyun - chủ sở hữu sàn giao dịch tiền ảo Bithumb đã bị bắt giữ vì tội tham ô và lừa đảo vào năm 2023. Park Min Young nhiều lần bị dư luận đặt ra nghi vấn về việc có liên quan và nhận các khoản tiền từ hành vi bất chính của anh này. Suốt thời gian từ 2022 tới hết 2023, cô vẫn luôn im lặng, không phản pháo và hợp tác điều tra cùng cảnh sát với vai trò nhân chứng sau khi chia tay bạn trai.
Park Min Young tiết lộ từng bị trầm cảm vì dính vào lùm xùm của bạn trai cũ (Ảnh lấy từ phim Marry My Husband)
Cho đến tận cuộc họp báo đóng máy phim “Cô đi mà lấy chồng tôi” ngày 1/1/2024, Park Min Young mới lần đầu tiên lên tiếng chia sẻ về vấn đề này. Lúc này, người hâm mộ và công chúng mới biết cô đã từng bị trầm cảm, trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn vì những lùm xùm liên quan tới bạn trai cũ và áp lực từ cộng đồng mạng.
"Đó là quãng thời gian đầy mệt mỏi, tôi sống trong sự hối hận mỗi ngày. Thậm chí, tôi đã đến kiểm tra tại Khoa Tâm thần” - nữ diễn viên nói. Cô chia sẻ mình thậm chí còn rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu tới mức không dám nhận vai diễn mới và cảnh giác với mọi người xung quanh, luôn sợ ngày mai tới.
Cô nói: “Năm ngoái (2023) là một năm rất đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi tôi vẫn đang suy nghĩ liệu mình có thể thực hiện tốt vai trò diễn viên tiếp hay không thì đạo diễn phim ‘Cô đi mà lấy chồng tôi’ đã gọi điện cho tôi. Lúc đầu, tôi đã suy nghĩ rất nhiều nhưng may mắn là với sự động viên, tin tưởng của đội ngũ sản xuất phim, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội”.
Park Min Young cũng chia sẻ tình trạng của mình đã tốt lên rất nhiều khi tham gia phim và được đón nhận. Cô nhấn mạnh mình tiết lộ căn bệnh trầm cảm của mình không phải để mọi người lo lắng mà để mong thế giới bên ngoài có thể thấy cô đã nỗ lực và trở nên khỏe mạnh như thế nào ở hiện tại. Thay vì nỗi sợ ngày mai đến trong 2 năm, giờ đây cô muốn gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ và hứa sẽ sống tích cực hơn, làm việc chăm chỉ hơn, nuôi dưỡng đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Bác sĩ nhắc nhở 4 triệu chứng cốt lõi của bệnh trầm cảm
Thông qua câu chuyện của Park Min Young, Tiến sĩ Tâm thần học Deng Fubao (Đài Loan, Trung Quốc) một lần nữa nhắc nhở: “Nhiều người xem nhẹ bệnh trầm cảm, trong khi nó có thể tàn phá cả thể chất và tinh thần của một con người, dẫn tới những trường hợp nguy hiểm tính mạng. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó, nhưng không phải người nào cũng đủ kiến thức, dũng cảm để phát hiện hay thừa nhận căn bệnh này. Nhất là trong giai đoạn đầu của bệnh”.
Lo lắng quá độ, chán nản, mệt mỏi dai dẳng là những dấu hiệu trầm cảm dễ bị bỏ qua (Ảnh lấy từ phim Marry My Husband)
Ông chia sẻ thêm, những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã là những cảm xúc hết sức tự nhiên của con người trong cuộc sống, Tuy nhiên, trạng thái cảm xúc này có thể trở thành bệnh lý rối loạn trầm cảm. Đó là khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động sinh hoạt, học tập và lao động hằng ngày. Và có 4 triệu chứng cốt lõi để nhận biết bệnh trầm cảm bất cứ ai trong chúng ta cũng cần nắm được, đó là:
- Trầm cảm lan rộng dai dẳng: cảm thấy buồn bã và chán nản về hầu hết mọi thứ trong cuộc sống trong hai tuần liên tiếp trở lên.
- Mất động lực sống: Thường cảm thấy mình mất đi động lực và không còn năng lượng cho bất cứ điều gì trong cuộc sống. Suy nghĩ tiêu cực, thậm chí sợ ngày mai tới.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi: Mệt mỏi kéo dài không rõ lý do và thiếu năng lượng trầm trọng.
- Rối loạn cơ thể: Các rối loạn liên quan tới cả thể chất và tinh thần. Ví dụ như: rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, đau nhức cơ thể không tìm ra lý do…
Tiến sĩ Deng còn đưa ra 6 lời khuyên giúp cải thiện tình trạng trầm cảm hoặc tái phát trầm cảm ngay cả sau khi đã điều trị y tế. Bao gồm:
- Sinh hoạt theo lịch trình, lên kế hoạch cụ thể cho mọi việc trong ngày.
- Đi ngủ sớm và dậy sớm, tốt nhất là vào giờ cố định.
Gặp gỡ bạn bè, người thân thường xuyên giúp ích cho việc ngăn chặn trầm cảm tái phát (Ảnh lấy từ phim Marry My Husband)
- Ăn đủ 3 bữa một ngày, đúng giờ, đa dạng và cân bằng dinh dưỡng.
- Duy trì việc tập luyện thể dục thể thao vừa sức nhưng đều đặn mỗi ngày.
- Đặt mục tiêu, thời gian cố định mỗi ngày/tuần để gặp gỡ, chia sẻ với gia đình, bạn bè.
- Tìm ra sở thích lành mạnh, học thêm những điều mới.
Ngoài ra, nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám và uống thuốc đúng chỉ định nếu cần.
Nguồn và ảnh: Skypost, Koreaboo, Life Time