PGS.TS Trần Đắc Phu: "Nguy cơ bùng dịch vẫn rất cao, nếu chúng ta không cẩn thận"

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguy cơ bùng dịch vẫn rất cao nếu chúng ta không cẩn thận, mải chống dịch ở ổ này mà bỏ qua ổ dịch khác.

Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục tăng. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 486 ca. Riêng ngày 10/5, 125 bệnh nhân COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Sáng 11/5, Bộ Y tế công bố thêm 28 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước tại 6 tỉnh/thành. Một số địa điểm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,... tiếp tục giãn cách, cách ly.

PGS.TS Trần Đắc Phu: "Nguy cơ bùng dịch vẫn rất cao, nếu chúng ta không cẩn thận" - 1

Vậy, liệu dịch COVID-19 có nguy cơ bùng dịch toàn quốc như nhiều người đang lo ngại? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết, cơ bản các ổ dịch vừa qua là đã kiểm soát được. Tuy nhiên, nguy cơ bùng dịch vẫn rất cao nếu chúng ta không cẩn thận, mải chống dịch ở ổ này mà bỏ qua ổ dịch khác. Xuất hiện những ổ dịch ngoài cộng đồng mà chúng ta không biết, không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm.

“Bài học vừa qua là chú ý chỗ này lại bùng chỗ khác. Khi chúng ta tập trung, chú ý chống dịch ở vùng biên giới, dịch lại xảy ra ở bệnh viện - vốn là thành trì vững chắc. Theo tôi, khi không kiểm soát được nguy cơ thì chúng ta phải giãn cách. Ngược lại, nếu kiểm soát được thì không nên giãn cách vì ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, xã hội và người dân”, PGS. Trần Đắc Phu nói.

Về khả năng chống dịch của các địa phương, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, các tỉnh, thành phố hiện cơ bản đang đáp ứng tốt. Họ chủ yếu truy vết tốt, xét nghiệm diện rộng, đáp ứng tốt hơn trước nhiều.

Hiện, số ca mắc COVID-19 mới tăng lên do các địa phương và bệnh viện đẩy mạnh việc truy vết các F1, F2 để cách ly và làm xét nghiệm. Nhờ tăng cường xét nghiệm F1 tại các ổ dịch đã được khoanh vùng.

Phần lớn các ca bệnh được công bố trong mấy ngày hôm nay là trong các khu cách ly, đã được kiểm soát. Có thể trong một vài ngày tới, số ca bệnh tăng lên. Lý do xuất phát từ điều này và cũng chứng tỏ năng lực xét nghiệm nâng lên rất nhiều.

Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 và ở nhiều tỉnh, thành, song về cơ bản, chúng ta đang có một số ổ dịch như Đà Nẵng, Hà Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã phân tích và thấy rằng các ổ dịch có liên quan đến nhau, đã kiểm soát được. Chúng ta cơ bản biết được nguồn lây. Chẳng hạn, ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc đều liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc. Bệnh viện K cũng có liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ổ dịch Hà Nam đã được kiểm soát. Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng vậy.

Hà Nội đang là ổ dịch với nhiều bệnh nhân nhưng không phải là các ca trong cộng đồng không rõ nguyên nhân.

Theo ông Phu, để phòng dịch một cách bền vững nhất thì vẫn phải tiêm vắc-xin. Khi 60-70% dân số một quốc gia được tiêm vắc-xin, chúng ta sẽ đạt miễn dịch trong cộng đồng. Việt Nam có 100 triệu dân thì phải tiêm được 60-70 triệu người.

Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm các nguồn vắc-xin, đồng thời đẩy mạnh quá trình sản xuất vắc-xin trong nước. Hiện, Việt Nam mới tiêm được một triệu liều vaccine AstraZeneca hoàn thành vào 15/5 và chờ lô hàng tiếp theo của COVAX Facility.

Nhiễm biến chủng Ấn Độ, chỉ 1-2 ngày F1 thành F0

Theo PGS. Trần Đắc Phu, chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0 nên chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Với biến chủng mới, Việt Nam vẫn giữ chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả và thực hiện xét nghiệm.

Về phía người dân, PGS. Trần Đắc Phu lưu ý chúng ta không nên quá lo lắng song không được chủ quan. Tất cả phải chủ động phòng bệnh. Thực tế khi dịch tạm ổn, nhiều người không thực hiện các biện pháp bảo vệ, đến khi dịch bùng phát thì lại lo lắng.

Mọi người luôn luôn phải thực hiện 5K, trong đó, việc khai báo y tế rất quan trọng. Bởi khi cần thiết, các cơ quan y tế có thể dựa vào những thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta.

Thế giớiViệt NamMỹÝ Tây Ban NhaNgaBra-xin