Theo thống kê của Globocan năm 2020, ung thư dạ dày đứng top 3 trong các bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam, với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhiều nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%. Căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
TS.BS Phạm Văn Bình, Phó GĐ Bệnh viện K.
TS.BS Phạm Văn Bình, Phó GĐ Bệnh viện K cho biết, ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư tiêu hóa đáng phải được quan tâm và đầu tư nghiên cứu điều trị tốt hơn.
Theo TS Bình, ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng, kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát. Trong những trường hợp tiến triển hơn thì chúng ta có thể thấy những dấu hiệu rõ hơn, ví dụ như bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đó là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày cần lưu ý:
- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với loét dạ dày. Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý.
- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi cũng có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường đều rất có thể cảnh báo bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên cần gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.