Các bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp, thận, gan hay phổi thật ra đều có những dấu hiệu cảnh báo sớm thông qua một số bộ phận trên cơ thể. Hãy thường xuyên làm theo 5 bước kiểm tra dưới đây để bảo vệ sức khỏe, phát hiện và điều trị bệnh tật kịp thời.
1. Tự kiểm tra phổi: hơi thở
Cách đơn giản để kiểm tra tình trạng sức khỏe của phổi là thông qua hơi thở. Hãy hít sâu vào, sau đó nín thở lâu nhất có thể rồi từ từ thở ra.
Nhiều nghiên cứu y học chỉ ra rằng thời gian bạn có thể nín thở càng lâu thì chức năng phổi càng tốt. Ở độ tuổi 20 - 30, thời gian nín thở trong khoảng 90 - 120 giây tức là bạn khỏe mạnh, trên 50 tuổi thời gian nín thở khoảng 90 giây là trạng thái phổi đang rất ổn.
2. Tự kiểm tra thận: nước tiểu
Thận là cơ quan bài tiết chính của cơ thể con người, có nhiều dấu hiệu trên cơ thể phản ánh tình trạng sức khỏe của thận, tuy nhiên, dễ kiểm tra và chính xác nhất là bằng nước tiểu.
Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là thời điểm lý tưởng để kiểm tra nước tiểu. Nước tiểu của người có thận khỏe màu vàng nhạt và trong suốt, nếu nước tiểu sậm màu như nước chè đặc, có máu hoặc sủi bọt lâu tan thì chứng tỏ chức năng thận của bạn đang bị suy giảm.
Ngoài ra, liên tục buồn tiểu, nhất là vào ban đêm, mỗi lần tiểu không nhiều nhưng luôn có cảm giác buồn tiểu cũng là biểu hiện thận của bạn muốn “xin về hưu sớm”.
3. Tự kiểm tra gan: lòng bàn tay
Gan là cơ quan giải độc của cơ thể, có chức năng "bù trừ" và tái tạo rất mạnh mẽ. Những thói quen sinh hoạt không tốt của nhiều người trẻ như thức khuya, uống rượu bia, ăn uống không lành mạnh... khiến gan lão hóa sớm, suy giảm chức năng gan, thậm chí dẫn đến các bệnh như gan nhiễm mỡ, ung thư gan.
Có thể kiểm tra chức năng gan bằng các dấu hiệu ở lòng bàn tay như sau: nếu lòng bàn tay xuất hiện các chấm đỏ hay quanh chấm có các vệt đỏ hình dạng giống mạng nhện, bông tuyết, khi dùng lực nhấn vào thì biến mất rồi sau đó lại xuất hiện khi thả ra thì bạn đang gặp vấn đề về gan, cần đi khám ngay.
4. Tự kiểm tra mạch máu: trán và chân
Đừng chủ quan với các bệnh liên quan đến mạch máu, xơ cứng động mạch thường bắt đầu ngay từ khi bạn còn trẻ.
Một nghiên cứu với 3000 người ở Châu Âu cho kết quả càng có nhiều nếp nhăn trên trán thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não càng cao. Nếu trên trán của bạn có nhiều hơn 5 nếp nhăn nhìn giống như đường gạch sâu hoặc cực kỳ rõ nét thì có thể mạch máu của bạn đang có vấn đề, nguy cơ xơ cứng, có huyết khối hay bị tắc nghẽn mạch máu đều rất cao.
Muốn chắc chắn hơn trước khi tìm đến bác sĩ tim mạch, bạn nên kết hợp thêm bài kiểm tra với mạch máu ở chân. Hãy nằm ngửa, thẳng người trên mặt phẳng, sau đó nâng cao chân 60 - 90 độ, giữ nguyên tư thế trong 3 phút. Tiếp theo, hạ chân xuống, đặt 2 chân song song và theo dõi xem chân bạn mất bao lâu để trở lại màu sắc hồng hào.
Nếu thời gian đó nhanh nghĩa là các mạch máu của bạn đang ở trong tình trạng tốt. Ngược lại; nếu nó mất hơn 5 phút tức bạn đang có vấn đề nhỏ như máu lưu thông chậm, tổn thương nhẹ ở các mạch; lâu hơn 8 phút đồng nghĩa với việc bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng cần đến bệnh viên kiểm tra chuyên sâu.
5. Tự kiểm tra tình trạng xương: gót chân, cẳng chân, mông, bả vai và gáy
Trẻ tuổi không có nghĩa là bạn không cần lo lắng về các bệnh liên quan đến xương khớp, bởi thực tế tỷ lệ loãng xương, ung thư xương đang có xu hướng trẻ hóa.
Hãy tự kiểm tra bằng cách tìm 1 bức tường, đứng thẳng, lưng chạm tường, toàn thân tựa sát vào tường và đánh giá 5 điểm sau: gót chân, cẳng chân, mông, bả vai và gáy có nằm trên 1 đường thẳng không.
Để dễ quan sát, có thể đứng trước gương hoặc nhờ người khác giúp đỡ. Nếu 5 bộ phận kể trên không thể nằm trên 1 đường thẳng hoặc bài kiểm tra này khiến bạn đau đớn thì chắc chắn bạn đang gặp vấn đề về xương khớp, hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: Sohu, Asia One, Healthline