Từ trước đến nay, tôm vốn là loại hải sản yêu thích của nhiều người không chỉ vì ngon miệng, mà vì nó chứa lượng protein cao, gấp nhiều lần so với cá, trứng và sữa.
Nghiên cứu cho thấy, trong 100g tôm tươi có chứa đến 18.4g protein. Hơn thế nữa protein có trong tôm là dạng protein tinh khiết, rất tốt cho sức khỏe. So với cá và gia cầm, tôm có ít chất béo, nhiều vitamin A, kali, iốt, magiê, phốt pho và các nguyên tố vi lượng khác có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đã không ít lần lực lượng chức năng phát hiện tôm bị nhiễm tạp chất thạch rau câu do được người bán tiêm vào phần đầu để trông tươi ngon, bắt mắt hơn. Trước tình trạng này, người tiêu dùng cảm thấy lúng túng và hoang mang khi lựa chọn loại thực phẩm này làm thức ăn cho gia đình.
Tôm bị bơm tạp chất thạch rau câu có gây hại cho sức khỏe không?
Gần đây, một bài viết liên quan đến chủ đề bơm thạch vào đầu tôm được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. Nội dung bài viết nói rằng: Sau khi tôm chết, phần đầu tôm sẽ rất nhanh sản sinh ra một chất độc tên là histamine. Để giúp cho tôm tươi ngon, nhiều người đã nghĩ ra cách bơm thạch rau câu vào đầu của con tôm.
Cũng theo bài viết này thì: Thạch rau câu được làm từ tảo biển, có tác dụng ức chế vi sinh vật gây thối rữa. Việc bơm thạch rau câu vào đầu tôm sẽ giúp ức chế vi sinh vật gây hại , khiến đầu tôm không bị hỏng nữa.
Tác giả của bài viết cũng thể hiện quan điểm rằng đây là chất hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn kêu gọi mọi người hãy ăn tôm có bơm thạch vì rất có lợi cho sức khỏe.
Trước sự việc thông tin đang được lan truyền trên MXH PV đã liên hệ với PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội) để giải đáp về vấn đề này.
Theo vị PGS.TS, thạch rau câu hay còn gọi là agar, thực tế không gây độc, là thứ mà chúng ta có thể ăn được. Nhiều năm gần đây có tình trạng tôm được bơm thạch vào phần đầu để tôm trông đẹp hơn, cứng hơn, nặng cân hơn vì thế cũng bán được giá hơn. Dù hành động bơm thạch vào tôm không gây độc hại, nhưng cực kỳ đáng lên án vì đó là hành vi làm hàng giả, thiếu trung thực, nhằm "bán thạch theo giá tôm" để lấy lời.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay, thông tin thạch rau câu có thể ức chế vi sinh vật là không chính xác .
"Thạch rau câu bản thân là một polysaccharide, khiến các vi sinh vật khó ăn hơn những thứ khác chứ không hề có tác dụng ức chế vi sinh vật như bài viết nói. Khi ở cạnh nhau, thịt tôm sẽ thối rữa trước thạch. Vấn đề là ở chỗ người ta đã cho một thứ rẻ tiền vào một thứ đắt tiền để thu lợi. Tuy nhiên, thạch rau câu không gây hại cho nên người tiêu dùng cũng không cần phải quá lo lắng khi ăn chúng", vị chuyên gia nói.
Dù hành động bơm thạch vào tôm không gây độc hại, nhưng cực kỳ đáng lên án vì đó là hành vi làm hàng giả, thiếu trung thực, nhằm "bán thạch theo giá tôm" để lấy lời.
Ngoài ra theo các chuyên gia, tôm tươi vốn rất giàu histidine, nhưng khi tôm chết mà chưa được chế biến ngay thì lượng axit amin histidine này sẽ bị vi khuẩn phân hủy thành chất histamine gây hại cho cơ thể con người. Tôm chết càng lâu, chất độc tích lũy trong tôm càng nhiều, ăn nhiều có thể xảy ra ngộ độc. Do đó, việc tiêu thụ nhầm những con tôm đã chết được bơm thạch để "phù phép" tươi hơn, thì chắc chắn là người tiêu dùng sẽ phải nhận nhiều "trái đắng" khó lường trước.
Khi đi mua tôm, cần lưu ý điều gì để tránh mua phải tôm bị tiêm tạp chất
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nếu như chỉ nhìn qua màu sắc thì người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được đâu là tôm sạch, đâu là tôm bị tiêm tạp chất.
Tuy nhiên, các bà nội trợ có thể chọn tôm theo một số nguyên tắc sau:
- Mua tôm có kích cỡ nhỏ thì nguy cơ bị bơm tạp chất sẽ ít hơn những con tôm có kích thước lớn.
- Những con tôm bị bơm tạp chất sẽ căng đầy, mập béo bất thường.
- Những con tôm bị bơm tạp chất thì phần đầu và thân sẽ có xu hướng rời rạc, không bám dính vào nhau. Bạn có thể thử kéo phần thân và phần đầu tôm ra để xem mức độ kéo giãn và xác định chính xác tôm có bơm tạp chất hay không. Nếu khớp nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.
- Nên chọn tôm tươi sống, còn nhảy tanh tách khi mua để chắc chắn về chất lượng tôm.