Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội có 3 ổ dịch diễn biến phức tạp

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây.

  

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính tới đầu tháng 7, toàn thành phố có 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn. Sở Y tế Hà Nội đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, trong 3 tuần gầy đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).

Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, Hà Nội có 3 ổ dịch diễn biến phức tạp - 1

Trên phạm vi cả nước, thống kê của Bộ Y tế cho thấy 12 tỉnh, thành phố gồm Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh và TP Hà Nội liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3- 4 tiếng.

Về biến chứng của sốt xuất huyết, bác sỹ Cấp cho biết, bệnh này có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó, biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì.

Do đó, nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24- 48 giờ.

Theo chuyên gia này, cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.

Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào như chảy máu, nôn liên tục, đau bụng dữ dội, lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật, xanh tím, tay và chân lạnh ẩm, khó thở, cần ngay lập tức đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày….