Các bác sĩ Bệnh viện Ung thư Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết vừa qua đã tiếp nhận trường hợp một cậu bé 12 tuổi trong tình trạng xuất hiện một cục u to bằng quả trứng cút ở phía trên xương quai xanh bên trái, không đau, không ngứa.
Cậu bé 12 tuổi được các bác sĩ thực hiện sinh thiết phổi
Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ đã kết luận cháu bé đã mắc ung thư phế quản phổi nguyên phát, giai đoạn cuối. Điều này không chỉ khiến gia đình, người thân mà ngay cả các bác sĩ cũng thấy sốc vì trong sự nghiệp của mình, các bác sĩ chưa từng gặp bệnh nhân nào mắc bệnh khi còn nhỏ tuổi như trường hợp cậu bé 12 tuổi này.
Sau khi tìm hiểu về quá trình sinh hoạt, mẹ của bé cho biết:"Con trai tôi không thường xuyên ăn sáng. Bữa trưa và bữa tối cháu thường chỉ ăn khoảng nửa bát cơm. Hầu hết gia đình tôi không uống nước đun sôi, chúng tôi thường uống nước ngọt và nước trái cây khi khát.
Ngoài ra, cháu đặc biệt thích chơi game trên điện thoại di động. Đôi khi, cậu bé lén nghịch điện thoại trong khi bố mẹ đã ngủ muộn vào ban đêm, dẫn đến việc thường xuyên thức khuya và sinh hoạt thất thường", mẹ cháu bé chia sẻ.
Trong khi đó, các bác sĩ cho biết, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở trẻ nhỏ tuy thấp nhưng hầu hết nguyên nhân khởi phát ung thư phổi đều có liên quan đến ô nhiễm môi trường, thói quen xấu (chế độ ăn uống và nghỉ ngơi không điều độ), căng thẳng tinh thần, yếu tố di truyền... Bệnh nhân 12 tuổi này dù không hút thuốc lá nhưng có thói quen ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ, đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi.
5 lưu ý phòng tránh ung thư phổi tốt nhất
Ảnh minh họa
Chế độ ăn uống lành mạnh
Hạn chế dùng túi nhựa, chai nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn. Hạn chế tối đa đồ ăn chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu...
Thường xuyên ăn rau quả tươi, cháo, cơm, sữa chua... rất tốt cho sức khỏe. Với các loại thịt, hãy luộc, hấp, thay vì chế biến nướng, quay, rán, xào.
Không hút thuốc lá
Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Ngoài ra, người hút thuốc còn tăng nguy cơ nhiễm virus, nhiễm khuẩn lao phổi, mắc phổi mạn tính.
Hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm từ môi trường, nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ hàng ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Vì vậy, với những người làm việc ở các khu công nghiệp cần được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ để hạn chế tiếp xức với khói bụi, hóa chất.
Vận động thường xuyên
Khi cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym... được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tập thường xuyên.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bạn cảm thấy khỏe mạnh, chưa có các triệu chứng bệnh song thực tế nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, với bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Hơn 70% bệnh nhân ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị khó khăn và tốn kém.