“Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế!”
“Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã tìm ti mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng....nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương này. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi.
Sáng nay nghe 1 bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Đúng là các bà mẹ đang cho con bú dễ khóc thật! Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế”.
Đây là những dòng chia sẻ trên facebook rất ngắn gọn của một nữ bác sĩ đang cách ly trong BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có sở Đông Anh. Khi đọc những dòng này, tôi đã cố gắng liên lạc với chị qua facebook nhưng chị không muốn nói rõ danh tính của mình. Chị bảo: “bệnh viện có nhiều người mẹ như chị lắm…”
Những cuộc tâm sự của tôi với những người mẹ đặc biệt này diễn ra vào 21h tới 23h đêm khuya, khi các chị đã hoàn thành xong ca trực. Bởi, ban ngày, các chị phải làm nhiệm vụ của người thầy thuốc, khoác trên người đồ bảo hộ kín mít, không tiện nghe hay cầm điện thoại.
Những cuộc tâm sự của tôi với những người mẹ đặc biệt này diễn ra vào 21h tới 23h đêm khuya, khi các chị đã hoàn thành xong ca trực. Bởi, ban ngày, các chị phải làm nhiệm vụ của người thầy thuốc, khoác trên người đồ bảo hộ kín mít, không tiện nghe hay cầm điện thoại.
Với tôi, đây cũng không phải là những cuộc phỏng vấn như cách tôi vẫn thường làm để viết một bài báo. Chỉ đơn giản, tôi muốn chia sẻ cùng các chị như những người mẹ đang nuôi con nhỏ để vơi đi nỗi nhớ con.
Tất cả những nhân vật trong bài viết này không có tên tuổi cụ thể bởi các y bác sĩ này không muốn thể hiện mình, họ nghĩ những việc họ làm là trách nhiệm họ cần phải thực hiện, không phải "điều gì đáng nói". Nhưng chắc rằng, mọi người vẫn hoàn toàn tin vào những câu chuyện tôi kể dưới đây, tin vào những con người này và việc làm của họ là có thật.
Đêm nào thằng bé cũng tỉnh giấc 3, 4 lần khóc ngằn ngặt đòi mẹ
Qua máy điện thoại, chị D, một nữ điều dưỡng nói chuyện mà giọng nghẹn ngào như muốn khóc. Chị D nhà ở Đông Anh, có 2 con trai, cháu lớn 4 tuổi, cháu bé 10 tháng tuổi. Chị đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh từ ngày 5/5/2021, hai con để lại cho ông bà nội trông giúp vì chồng chị là công an, đợt này đã đi công tác 10 ngày chưa về.
Chị nhớ như in buổi sáng ngày 5/5/2021, chị đang làm thì nhận được lệnh phong tỏa toàn bệnh viện, không ai được rời khỏi viện: “ Em đợi tới chiều, hy vọng có sự thay đổi nào đó nhưng cổng bệnh viện đã khóa lại, khi đó, em mới cầm máy gọi về nhờ ông bà nội trông con” – chị D kể lại.
Mỗi ngày, công việc của những y bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh như trong một guồng quay hối hả.
Chị D bắt đầu cuộc sống cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Đông Anh từ ngày 5/5/2021. Công việc của chị hằng ngày phân chia theo các ca trực: sáng từ 7h30-13h30; Chiều từ: 13h30-19h30; Tối từ: 19h30-7h30 hôm sau.
Mỗi ngày, chị và các đồng nghiệp như ở trong một guồng quay hối hả. Bệnh viện đang cách ly nhưng vẫn phải tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 chuyển tới và trong viện cũng có thêm những ca bệnh mới. Đặc biệt lại có nhiều bệnh nhân nặng. Có những ca trực, quá nhiều bệnh nhân phải cấp cứu một lúc, chị và các đồng nghiệp thực sự đã phải chạy chứ không bước đi như bình thường.
Vất vả như vậy nhưng chị không sợ hãi hay chán trường. Thứ mà chị sợ nhất là khi đêm xuống, trời ập tối. Chị biết, giờ này, con trai út 11 tháng của chị bắt đầu trằn trọc tìm ti mẹ rồi ngằn ngặt khóc trên tay bà nội. “Thằng bé khó ngủ lắm, lúc trước khi chưa chưa đi cách ly, tối nào cũng phải mất một lúc cháu mới ngủ được. Em đi cách ly đột ngột chưa kịp cai sữa nên cháu quấy lắm. Bà cứ phải bế vác trên vai hằng tiếng đồng hồ mới ngủ.”
Mỗi đêm, bé thường thức dậy 3, 4 lần rúc ti mẹ rồi ngủ nhưng từ hôm vắng mẹ, đêm nào hai bà cháu cũng vật lộn với nhau. Bé chỉ ngủ được 1 hoặc 2 tiếng rồi lại dậy, không có ti mẹ, nó khóc, bà phải bế vác cháu lên nhưng cũng có lúc cháu chịu, có lúc cháu không chịu, cứ khóc cả tiếng đồng hồ. Thương bà, thương cháu lắm” - kể tới đây giọng chị D lạc đi, không kìm nổi cảm xúc.
“Những ngày đầu, sữa về nhiều, em phải vắt bỏ đi nhưng bây giờ, càng ngày, sữa càng kiệt dần, chắc tới khi được về nhà sữa cũng hết luôn. Có lẽ em sẽ cai sữa sớm cho con” – chị D chia sẻ.
Trở thành bệnh nhân COVID-19 điều trị ngay tại bệnh viện mình làm việc
Câu chuyện với nữ điều dưỡng tên D thẫm đẫm nước mắt nhớ nhung còn câu chuyện với nữ điều dưỡng tên H lại khiến cho tôi cảm thấy như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới dù nữ điều dưỡng này đang là bệnh nhân điều trị COVID-19.
H là một nữ điều dưỡng làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh có tuổi đời còn trẻ, rất xinh xắn và mới có một con gái đầu 21 tháng tuổi. Tôi đã quen H từ 6 năm trước. H cho biết, em bị nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ tại một đêm trực. Tuy nhiên, H không có triệu chứng, không ho, không sốt, mà chỉ mất khứu giác. Tôi cũng cảm nhận được tình trạng sức khỏe của H ổn qua giọng nói của em nhanh nhẹn và vui vẻ.
Một ca cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (BV cung cấp)
Video: Một ca cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (BV cung cấp)
Có lẽ tới suốt cuộc đời, H sẽ không bao giờ quên ngày 4/5/2021 vừa rồi. Hôm ấy, buổi sáng, khi phát hiện trong khoa có người dương tính, ngay buổi chiều, Khoa cho toàn bộ cán bộ nhân viên và một số bệnh nhân làm xét nghiệm. H cũng được làm xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Tới sáng ngày 5/5/2021, nhận được lệnh phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh, H ở lại luôn để cách ly. “Hôm đó tất cả mọi người dù đang không phải tua trực ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng cũng phải tới bệnh viện chấp hành cách ly” – H cho biết.
Điện thoại về nhà thông báo tin ở lại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương Đông Anh cách ly, đồng thời, H cũng nói với chồng phải tự cách ly ở nhà vì chồng H là F2. Tuy nhiên, tới ngày 9/5/2021, xét nghiệm lần thứ 2, kết quả cho thấy, H đã nhiễm COVID-19.
H cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, chồng H cách ly tại Tây Mỗ, con gái 21 tháng gửi ông bà trông
Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ mới là chiến tranh!
Từ ngày 9/5/2021, H trở thành bệnh nhân COVID-19. Em không làm công việc của người điều dưỡng nữa mà chuyển sang khu điều trị bệnh nhân như những bệnh nhân COVID-19 khác. Còn những y bác sĩ nào không dương tính thì vẫn tiếp tục làm việc.
“Bây giờ em là bệnh nhân nên chỉ ở trong phòng, không được ra ngoài. Em không có triệu chứng bệnh, không ho, không sốt, mà chỉ mất khứu giác Ở đây em được chăm sóc ổn lắm, mỗi bữa, thức ăn được đổi món liên tục. Em uống thuốc hằng ngày. Thuốc uống cũng không có biểu hiện mệt” - H cho hay.
Còn chồng của H, thì tự cách ly ở nhà từ ngày mùng 5/5 nhưng tới ngày 9/5, khi H có kết quả dương tính, chồng H cũng được y tế địa phương đưa đi cách ly tập trung tại Tây Mỗ. Vậy là, cô con gái nhỏ 21 tháng tuổi phải nhờ ông bà ngoại trông giúp.
“Trước đây, ngày nào cũng làm việc hùng hục nhưng bây giờ, là bệnh nhân chỉ phải ngồi 1 chỗ, em cứ thấy không “quen” lắm, chỉ mong khỏe nhanh để đi làm như trước. Hình như khổ quen rồi, sướng không chịu được chị ạ”, H dí dỏm vừa nói vừa cười với tôi.
“Em cai sữa con bé rồi nên cũng đỡ vất. Chỉ là cả nhà nhớ nhau thôi. Cả nhà hay nói chuyện nhìn nhau qua điện thoại. Mong chóng cho tới ngày em được ra viện và ông xã em âm tính trong những lần xét nghiệm tới” – H lạc quan chia sẻ.
Video: Nữ điều dưỡng BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh phát thuốc cho bệnh nhân trong ca trực (bệnh viện cung cấp)
Trong câu truyện với điều dưỡng D ở trên, chị có nhắc tới một đồng nghiệp làm cùng khoa tên N. Điều dưỡng N cũng có một con trai vừa sinh nhật 1 tuổi cách đây 1, 2 ngày. Dù vẫn trong chế độ không phải chống dịch và ra khu cách ly sớm vì có con dưới 1 tuổi nhưng chị N vẫn xung phong tham gia chống dịch. Tôi muốn xin liên lạc với chị N. Nhưng chị N nói lại với điều dưỡng D rằng “chị ngại lắm, chị không lên báo đâu, chị chẳng biết nói gì....”
Còn rất nhiều các nữ y, bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đông Anh có con nhỏ như những điều dưỡng D, N, H. Các chị, những nữ thầy thuốc thuốc luôn khiêm nhường và lặng lẽ như vậy. Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ mới là chiến tranh! Trong cuộc chiến của dịch bệnh COVID-19 khốc liệt này, những người nữ thầy thuốc vẫn lặng lẽ, bền bỉ chiến đấu với bệnh dịch!