Tâm thư của các thầy thuốc Mỹ gốc Ấn: Tinh thần tương trợ toàn cầu góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19

Đại dịch sẽ không thể kết thúc trừ phi thế giới cùng chung tay giúp Ấn Độ, đó là ý kiến của các chuyên gia y tế Mỹ gốc Ấn đăng tải trên CNN. Một khi khủng hoảng tại Ấn Độ được giải quyết, thế giới có thể được hưởng lợi bởi Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin và thuốc lớn trên thế giới.

Nhóm tác giả bài viết cho hay, “cách đây 1 năm, với tư cách là các thầy thuốc người Mỹ gốc Ấn, chúng tôi đã trải qua sự tuyệt vọng khi không thể làm gì ngay tại nước Mỹ -quê hương chúng tôi- khi nơi đây không thể chống chọi nổi làn sóng đầu tiên của dịch COVID-19. Và rồi tuần qua, chúng tôi lại dõi theo nơi quê cha đất tổ-Ấn Độ đang chống chọi với đợt dịch mới tưởng như không có hồi kết. Các giường bệnh kín mít, tin nhắn What’sApp  đầy những lời khẩn cầu của gia đình và bạn bè từ Ấn Độ đang mắc bệnh và qua đời do COVID-19. Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh tang thương do thiếu bình oxy và giường bệnh.”

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang lập kỷ lục mới về số ca nhiễm mới cao nhất, với 400 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, mà con số này theo các chuyên gia y tế còn thấp hơn con số thực tế. Trong tâm thư đăng tải trên CNN, nhóm bác sĩ Mỹ gốc Ấn cho rằng COVID-19 là đại dịch toàn cầu, hậu quả đối với nước Mỹ và thế giới sẽ rất lớn nếu chúng ta không cùng chung tay kiểm soát khủng hoảng COVID-19 tại Ấn Độ.

Tinh thần tương trợ sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19

Trong “tâm thư”, nhóm chuyên gia đưa ra 3 nguyên nhân lý giải cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tới thế giới ra sao và sự tương thân tương ái sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch trên toàn cầu.

Trước hết, nếu tình hình dịch không thể kiểm soát ở Ấn Độ, thì có khả năng thêm nhiều biến thể mới nguy hiểm sẽ nổi lên làm cản trở nỗ lực khống chế đại dịch. Ngoài biến thể B.1.1.7 đã lây lan khắp thế giới, các biến thể B.1.617 và B.1.618 có nguồn gốc từ Ấn Độ đang lây lan trên khắp quốc gia này. Các biến thể mới này nghi ngờ là dễ lây truyền hơn. Biến thể B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia bao gồm cả Mỹ. Mỗi biến thể mới xuất hiện đều có thể đe dọa tới quá trình phục hồi nền kinh tế hay miễn dịch cộng đồng.

"Cơn sóng thần" COVID-19 tại Ấn Độ đã gây ra nhiều trăn trở cho các bác sĩ gốc Ấn ở Mỹ

Thứ hai, Ấn Độ là nhà cung cấp chính vắc xin và thuốc trên toàn cầu. Ấn Độ đã đồng ý cung cấp vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (các nước LMIC) thông qua cơ chế tiếp cận vắc-xin COVID-19 toàn cầu (COVAX).

Ấn Độ cũng là nhà sản xuất thuốc remdesivir, loại thuốc thường được dùng để điều trị các triệu chứng COVID-19 nặng. Cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ sẽ làm yếu đi sức mạnh của thế giới để chống lại đại dịch bởi nhiều quốc gia sẽ mất đi nguồn cung thuốc và vắc-xin.

Trong tâm thư, những thầy thuốc người Mỹ gốc Ấn cũng chia sẻ rằng khi Ấn Độ an toàn và thịnh vượng thì Mỹ cũng hưởng lợi. Bởi Ấn Độ là đối tác kinh tế và an ninh trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Các thầy thuốc gốc Ấn góp phần bổ sung sự thiếu hụt lực lượng nhân viên y tế ở Mỹ và cũng góp phần cứu mạng người dân trong suốt đại dịch. Ấn Độ là nước xuất khẩu bác sĩ/nhân viên y tế lớn nhất thế giới, cung cấp hàng nghìn y tá và thầy thuốc cho Mỹ. Do đó đầu tư cho Ấn Độ cũng chính là đầu tư cho nền tảng chăm sóc sức khỏe của chính nước Mỹ.

Những giải pháp thiết yếu để chấm dứt đại dịch toàn cầu

TS.Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã đưa ra lời khẳng định “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa” khi nói về tình hình Ấn Độ. Ngoài khoản viện trợ do chính quyền Joe Biden công bố gần đây, nước Mỹ nên đi đầu trong hoạch định và ngoại giao y tế dài hạn.

Nhóm chuyên gia gợi ý, trước hết, nước Mỹ nên chuyển giao những liều vắc-xin COVID-19 không dùng đến sang Ấn Độ và các quốc gia khác khi cần thiết. Mỹ cũng nên trợ giúp Ấn Độ và các quốc gia khác sản xuất vắc xin, thuốc và trang thiết bị y tế để chống lại đại dịch. Viện Huyết thanh Ấn Độ, cơ quan sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đã chia sẻ trên Twitter mong mỏi Mỹ dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô cần thiết cho việc sản xuất vắc-xin.

Cam kết của Mỹ mới đây sẽ gửi nguyên liệu thô và trợ giúp Ấn Độ là bước khởi đầu cần thiết để giải quyết những nhu cầu thiết yếu của Ấn Độ trong chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, còn cần nhiều hơn nữa, ngoài nguồn cung trang thiết bị phòng hộ (PPE), oxy, và quyên góp tiền bạc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này.

Để góp phần chấm dứt đại dịch toàn cầu, Mỹ cũng nên ủng hộ việc từ bỏ bản quyền, cho phép Ấn Độ và các nước LMIC tự sản xuất vắc-xin thông qua đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác, tăng cường gây quỹ, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp sẵn có. Ngoài ra, cần hỗ trợ các quốc gia LMIC công cụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh RT-PCR và giải trình tự gene cho các biến thể virus nổi lên.